Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ hai, 04/12/2023 14:12
TMO - Để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết, sản xuất nông nghiệp trong đó trồng trọt là một trong những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng không theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng các loại thuốc có độ độc cao và không rõ nguồn gốc,...); Sử dụng phân bón vô cơ (sử dụng không đúng cách, quá liều lượng quy định,..); Sử dụng phân bắc, phân chuồng tươi không qua xử lý; Rác thải nguy hại trong trồng trọt (bao bì phân bón hoá học, bao bì thuốc bảo vệ thực vật,... ) chưa được thu gom và xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường; không thu gom, xử lý hoặc đốt bỏ phụ phẩm cây trồng;...
Hàng năm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được người dân sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), riêng vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 và vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh sử dụng khoảng 120,4 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại như: thuốc trừ cỏ (16 tấn), thuốc trừ ốc (21 tấn), thuốc trừ sâu (15 tấn), thuốc trừ bệnh (15 tấn)...; lượng phân bón khoảng 55.060 tấn trên các loại cây trồng (phân NPK 24.000 tấn, phân đạm 4.700 tấn, phân lân 1.800 tấn, phân kali 1.500 tấn....).
Các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mô hình bể thu gom thuốc BVTV, hướng dẫn người dân sử dụng đúng, hiệu quả thuốc BVTV trong sản xuất.
Với sự xuất hiện của nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng được sử dụng trên các loại cây trồng, trong đó không ít loại có độ độc hại cao, khả năng lưu giữ trong môi trường lâu. Các loại hóa chất độc hại sẽ làm cho đất, nước, không khí bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng. Hóa chất sử dụng ngày càng nhiều nhưng các biện pháp làm sạch môi trường lại ít được nông dân quan tâm, do vậy lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn đọng lại trong đất là khá lớn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 626 bể chứa bao thuốc bảo vệ thực vật được bố trí tại 8/10 huyện, thị, thành phố, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân sau khi sử dụng vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Số lượng thuốc hóa học cung ứng ra thị trường lớn, nhưng công tác thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế. Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường thu gom được hơn 5.166kg vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế cho thấy, tình trạng bao bì, chai lọ thuốc hóa học sau khi sử dụng không được người dân thu gom xử lý, mà thường vứt bỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng, trên nương. Điều này không những tác động đến môi trường sinh thái mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người nông dân.
Theo đánh giá của ngành chức năng hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người dân và các tổ chức doanh nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa tuân thủ các quy định, không đúng liều lượng và hướng dẫn của nhà sản xuất, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, thậm chí gây ngộ độc cho chính người sử dụng và cộng đồng. Nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm nói chung, kịp thời chấn chỉnh tình trạng sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ quy định của pháp luật, khuyến cáo của nhà sản xuất, kiểm soát, phòng ngừa rủi ro, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trên địa bản tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới cộng đồng, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV. Thường xuyên giám sát các cơ sở buôn bán thuốc BVTV để không xảy ra việc nhập lậu, buôn bán, sử dụng các loại thuốc BVTV cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo an toàn và các quy định khác của pháp luật trong sử dụng thuốc BVTV.
Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cấp cho khu vực nông thôn, đảm bảo hành lang bảo vệ nguồn nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2741/UBND-KTN ngày 23/8/2021 về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Chăn nuôi là một trong ngành kinh tế tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, cần được các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, xử lý chất, nước thải.
Cùng với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là ngành kinh tế tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh một số hộ nuôi có xây dựng hệ thống xử lý, còn phần lớn chất thải được thải trực tiếp ra môi trường. Chỉ tính riêng đối với chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê), chủ yếu chăn nuôi bán chăn thả chiếm 51,4%, chăn nuôi thả rông 38,8% và nuôi nhốt chuồng chỉ chiếm 9,8%; quy mô chăn nuôi chủ yếu là nông hộ (chiếm 99,6%), còn lại chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ. Hàng năm ước tính có hơn 1 triệu tấn chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15,7% lượng chất thải được thu gom, xử lý bằng ủ phân, biogas để làm khí đốt, phục vụ hoạt động trồng trọt... Còn lại 84,3%, lượng chất thải từ chăn nuôi gia súc thả rông và bán chăn thả, xả thải trực tiếp ra môi trường tại các bãi chăn thả, đồi, rừng... gây ô nhiễm đất, nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh các hoạt động từ sản xuất nông nghiệp, như: Nước thải từ chế biến nông sản (dong riềng, ngô, sắn...) thời gian qua trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất ở một số nơi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức. Các biện pháp xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường còn hạn chế; việc tuyên truyền phổ biến các văn bản luật chưa kịp thời, sâu rộng và sự thực thi chưa được triệt để. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận dân cư về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chưa cao.
Để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, làm tốt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng. Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas... nhằm xử lý chất thải chăn nuôi.
Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành cần có sự điều chỉnh linh hoạt, lồng ghép các chương trình một cách phù hợp, ưu tiên kinh phí, chính sách hỗ trợ để xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ðồng thời tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý chất thải.
Lê Hằng
Bình luận