Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ tư, 31/05/2023 14:05
TMO - Những năm qua, tác động của hoạt động kinh tế-xã hội cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông vẫn tiếp tục xuất hiện trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần giảm thiểu nguy cơ sạt lở, cũng như ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo số liệu thống kê, vùng trung du miền núi Bắc Bộ hiện có 369,2 km đê sông các loại thuộc các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, trong đó đê từ cấp III trở lên gồm 9 tuyến với tổng chiều dài 236,9 km: gồm 6km đê cấp I; 74,3 km đê cấp II; 156,63 km đê cấp III); còn lại là 132,3 km đê dưới cấp III. Trên hệ thống đê thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Hòa Bình hiện có 173 tuyến kè, với tổng chiều dài 175,2 km bảo vệ đê và bãi sông.
Tuy nhiên, một số vùng vẫn xảy ra ngập lụt dẫn đến nguy cơ sạt lở. Tại khu vực miền núi: Các thành phố nằm ven các sông chính và sông nhánh lớn vẫn thường chịu ảnh hưởng ngập lụt do lũ. Chỉ riêng trong năm 2018, liên tục từ tháng 6 đến tháng 8 đã xảy ra ngập lụt tại các thành phố Sơn La, Yên Bái, Hà Giang. Ngập lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân; làm hư hại các công trình xây dựng, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với khu vực Trung du, nhìn chung hầu hết các tuyến đê hiện có tại khu vực Trung du Bắc Bộ đều có cao trình đạt hoặc vượt trên cao trình thiết kế đê. Tuy nhiên, tuyến đê sông Thương thuộc tỉnh Bắc Giang còn khoảng 10,8 km thiếu cao trình từ 0,1 đến 0,5m; Tình trạng sạt lở bờ sông vẫn đang diễn ra ở hạ lưu hồ Hòa Bình và một số điểm trên sông Thao tại khu vực thành phố Việt Trì.
Khu vực bờ sông Đà bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền khoảng 70m trên địa bàn huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ảnh: TQ.
Đối với vùng đồng bằng sông Hồng, hiện nay hệ thống công trình phòng chống lũ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ bao gồm 2 loại hình công trình chính là hệ thống liên hồ chứa thủy điện thượng du có nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du và hệ thống đê điều ngăn lũ ở hạ du. Hệ thống hồ chứa lợi dụng tổng hợp phục vụ cấp nước, chống lũ hạ du, phát điện, kết hợp giao thông, nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ môi trường sinh thái trên dòng chính của hệ thống sông Hồng với tổng dung tích phòng lũ cho đồng bằng Bắc Bộ là 8,45 tỷ m3, bao gồm: Hồ Thác Bà trên sông Chảy có dung tích phòng lũ là 0,45 tỷ m3 ; Hồ Hoà Bình trên sông Đà có dung tích phòng lũ là 3 tỷ m3 ; Hồ Tuyên Quang xây dựng trên sông Gâm có dung tích phòng lũ là 1tỷ m3 và Hồ Sơn La trên sông Đà, thượng nguồn của hồ Hòa Bình có dung tích phòng lũ là 4 tỷ m3.
Hệ thống đê sông ở đồng bằng Bắc Bộ bao gồm: 36 tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt với tổng chiều dài 1.871,4km trong đó đê cấp đặc biệt là 37,71km, đê cấp I là 545,99km, đê cấp II là hơn 532,13km, còn lại là đê cấp III. Trên hệ thống từ đê cấp III trở lên có 1.004 cống dưới đê; 643 tuyến kè với chiều dài 676,1km, 1.416 điếm canh đê. Đây là khu vực có hệ thống đê sông có quy mô lớn của Việt Nam. Ngoài ra toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ còn có 140 tuyến đê dưới cấp III với hơn 1.307km đê cấp IV, V, đê bao và đê chuyên dùng do các địa phương quản lý.
Lưu vực sông Hồng-Thái Bình với hơn 2.000 km sông và 360km đường bờ biển hiện tại có 715 tuyến kè với tổng chiều dài 938 km bảo vệ bờ sông và bờ biển, bảo vệ hệ thống đê. Trong đó có 577 tuyến kè bảo vệ bờ sông với chiều dài 698km, 138 tuyến kè bảo vệ bờ biển, đê biển dài 240km. Các tuyến đê xung yếu, đặc biệt là đê biển hầu hết đều được bảo vệ bằng kè (kè lát mái, kè mỏ hàn hoặc kè chắn sóng) hoặc kè lát mái bê tông như ở Bằng La, Tiên Lãng (Hải Phòng), Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định).
Hệ thống kè sông, kè biển và các tuyến tre chắn sóng, rừng ngập mặn đã góp phần ổn định tuyến bờ sông và bờ biển giảm thiểu thiệt hại đến dân sinh và kinh tế trên toàn vùng. Tuy nhiên dưới tác động thiên tai mưa, lũ, bão hàng năm vẫn tiếp tục gây nên những sạt lở cho bờ sông, bờ biển. Hiện tại còn tồn tại 18 điểm sạt, lở bờ sông với chiều dài khoảng trên 13 km.
Việc triển khai các tuyến đê kè chống sạt lở bờ sông được các địa phương bố trí nguồn lực thực hiện.
Trước thực trạng trên, nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở trên lưu vực sông, việc triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục sạt, lở bờ sông là nhiệm vụ cần được chú trọng. Trong đó, đối với các giải pháp công trình: Trên phạm vi vùng trung du miền núi Bắc Bộ cũng đã xây dựng được hàng trăm km kè bảo vệ bờ sông, suối. Các tuyến kè được xây dựng có tác dụng chính là bảo vệ cơ sở hạ tầng; các khu đông dân cư và chủ quyền quốc gia, đồng thời cải thiện cảnh quan, môi trường tại các đô thị trong vùng.
Một số giải pháp phòng chống sạt trượt đất đã được thực hiện như: Tường chắn (tường kè) bê tông xi măng và bê - tông cốt thép, tường rọ đá; sửa bề mặt mái dốc với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng để hạn chế khả năng trượt; Một số mô hình về ngăn bùn, đá đã được triển khai, cụ thể như mô hình đập ngăn lũ bùn đá của Nhật Bản đã được triển khai thí điểm tại tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Tuy nhiên, các công trình đang ở gian đoạn thử nghiệm, chưa được áp dụng rộng rãi. Thực hiện Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ, những năm gần đây công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi được tăng cường. Các hồ chứa lớn, có cửa van điều tiết đã được: Lập quy trình vận hành điều tiết chủ động cung cấp nước phục vụ sản xuất, vận hành bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ; Kiểm định an toàn đập; Lập phương án PCLB cho công trình tại các hồ chứa; Lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập đã được thiết lập…
Các giải pháp phi công trình khác cũng đã được thực hiện như: Điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm; Quy hoạch sử dụng đất, hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao, xây dựng kế hoạch và thực hiện dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao; Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến kiến thức phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cho người dân và cộng đồng dân cư ở các vùng có nguy cơ.
Hàng năm tiến hành kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân cấp cấp quản lý đến cấp huyện, xã; quy định rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, các nhân tham gia trong bộ máy; Theo từng cấp được phân công quản lý, hàng năm tiến hành rà soát xây dựng, tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống và ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Ngoài ra còn có hệ thống rừng ngập mặn, tre chắn sóng là giải pháp công trình mềm thường có hiệu quả rất cao. Tổng chiều dài tre chắn sóng trên các tuyến đê sông là 700 km, trong đó có 456 km đã phát huy tác dụng.
Hiện nay, vùng ven biển một số tỉnh trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình đã hình thành một số khu vực rừng ngập mặn lớn vừa góp phần chắn sóng, bảo vệ đê biển phòng tránh xói lở bờ biển cũng như giảm thiểu tác hại của gió bão, sóng tới môi trường vùng ven biển và khôi phục những diện tích đất ngập mặn bị thoái hoá. Diện tích đất ngập mặn ở Hải Phòng chiếm 19,3%, ven biển đồng sông Hồng, Thái Bình 19,1%, Nam Định 16,3% và ít nhất là Ninh Bình chiếm 3%. Chiều dài đê biển có rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng là 254/841 km, diện tích rừng khoảng 30.000 ha, ngoài ra còn có 187km đê có bãi với diện tích rừng có thể trồng là 7.800 ha.
Đức Mạnh
Bình luận