Hotline: 0941068156
Thứ hai, 18/11/2024 16:11
Thứ hai, 18/11/2024 14:11
TMO – UBND tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm về việc thực hiện trình tự, thủ tục đối với việc đã cho các doanh nghiệp hiện hữu thuê đất để thực hiện các dự án trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, tại quyết định 1388/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Cam Liên (tại các xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Tại Quyết định trên, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan. Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị 13-CT/TW của Trung ương đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Với UBND tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật, trong đó có tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại; thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo khu công nghiệp Cam Liên không bị ảnh hưởng, chồng lấn với các quy hoạch khác; Tổ chức lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cho toàn bộ diện tích khu công nghiệp Cam Liên theo quy định của pháp luật về xây dựng để đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng, cảnh quan môi trường; đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và theo đúng địa điểm, quy mô diện tích sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt.
Địa phương này chịu trách nhiệm về việc thực hiện trình tự, thủ tục đối với việc đã cho các doanh nghiệp hiện hữu thuê đất để thực hiện các dự án trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; rà soát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn giao đất và giấy tờ hợp pháp về đất đai có liên quan để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hiện đang sản xuất kinh doanh trong khu vực dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về quy hoạch;
Chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất với các doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước về tiền thuê, phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phương án đấu nối hạ tầng (giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, công trình hạ tầng sử dụng chung...) vào hệ thống hạ tầng chung của khu công nghiệp Cam Liên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến hoạt động chung của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp; Thực hiện trình tự, thủ tục cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp xác định có tài sản công thì xử lý theo quy định…
Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 8 KCN đã được phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Hòn La II, KCN Cam Liên, KCN cửa ngõ phía Tây khu kinh tế Hòn La và KCN Bang. Trong số này, có 4 KCN đã được thành lập là KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La và KCN Tây Bắc Quán Hàu. Những khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương này.
Về định hướng phát triển công nghiệp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa. Quảng Bình tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển mạnh ngành công nghiệp có thế mạnh trở thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, như sản xuất vật liệu xây dựng, điện, chế biến nông, lâm, thủy sản...
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực công nghiệp được xem là ngành kinh tế trọng điểm mang tính động lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Bình sẽ tiếp tục chú trọng các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm, thuỷ sản (tập trung các phân ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm và nông sản xuất khẩu); sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp hỗ trợ…gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác tốt cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Đối với phương án tổ chức hoạt động, tỉnh Quảng Bình phân lĩnh vực công nghiệp thành 3 vùng. Trong đó, vùng phía Bắc tỉnh sẽ lấy Khu kinh tế Hòn La làm hạt nhân với các KCN trực thuộc như KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II, KCN cửa ngõ phía Tây, KCN Quảng Trạch và các cụm công nghiệp khác do địa phương quản lý. Đây sẽ là vùng công nghiệp mang tính động lực phát triển của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 với một số dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I-II và điện khí. Khu vực này sẽ ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tiên tiến…/.
HOÀI AN
Bình luận