Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ tư, 02/11/2022 19:11
TMO - Sản xuất nông nghiệp được xác định là nguồn gây phát thải, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất..., trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong đó, thành tựu lớn nhất là đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, có vị trí đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Trải qua đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã cho thấy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều tích cực đã được ghi nhận, sản xuất nông nghiệp cũng là một nguồn gây phát thải, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất..., trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt.
Triển khai các giải pháp nhằm giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, cùng với 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí mê tan toàn cầu, theo đó giảm 30% phát thải khí mê tan vào năm 2030 và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Được biết, để thực hiện các cam kết này, tháng 1/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ “Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” và đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện các cam kết quốc tế nói trên cũng như triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là một trong những thách thức rất lớn không chỉ từ phía Chính phủ mà từ cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu này, giới chuyên gia khuyến nghị song song với việc thực hiện tốt cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đa bên bao gồm khối Công, khối Tư và các đối tác trong toàn chuỗi cung ứng để giảm phát thải trong sản xuất, góp phần phát triển bền vững.
Tú Quyên
Bình luận