Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ sáu, 03/11/2023 08:11
TMO - Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế hướng đến mục tiêu cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thay thế, chuyển đổi dần để tiến tới cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần trong các doanh nghiệp du lịch.
Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt mà tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế có tốc độ tăng ổn định trong những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, du lịch phát triển cũng mang lại một số tác động tiêu cực như: tiêu thụ nhiều năng lượng, nước sạch, vật tư hàng hóa, tạo ra nhiều chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy... làm giảm tính hấp dẫn của du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ước tính trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2 đến 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày. Đó là chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Trước thực tế này, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thay thế, chuyển đổi dần dần để tiến tới cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần trong các doanh nghiệp du lịch, tập trung vào 207 khách sạn, 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các điểm du lịch thuộc các loại hình khác nhau (13 điểm du lịch được tỉnh công nhận, các điểm du lịch di sản văn hóa, di tích lịch sử các cấp độ).
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thay thế (Ảnh minh họa).
Trong đó, địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu như 100% quản lý khách sạn, đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch và 90% hướng dẫn viên được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và chương trình giảm rác thải nhựa của quốc gia và địa phương. 100% đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch có cam kết giảm rác thải nhựa và triển khai ít nhất 1 biện pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
100 quản lý khách sạn và 33 đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 13 điểm du lịch được đào tạo về xây dựng kế hoạch năm và được hướng dẫn về cách thức theo dõi, kiểm tra, đánh giá về giảm nhựa; 80 khách sạn và 50 đơn vị kinh doanh lữ hành và 4 điểm du lịch có bản kế hoạch giảm nhựa năm 2024. Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế sẽ xây dựng 5-6 tour du lịch và 5-6 điểm du lịch cộng đồng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Tỷ lệ khách sạn 3-5 sao không sử dụng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại thành phố Huế lần lượt là 50% năm 2024 và 80% năm 2025.
Để đạt các mục tiêu trên, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành du lịch. Vận động, theo dõi các đơn vị triển khai thực hành các giải pháp giảm rác thải nhựa tại các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch. Xây dựng, đưa vào hoạt động các tour du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các điểm đến du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Liên kết và tăng cường xây dựng hoạt động cho nhóm đối tác hành động giảm nhựa thành phố Huế. Quảng bá điểm đến du lịch giảm thiểu rác thải nhựa. Xây dựng bộ tiêu chí/chỉ số về tăng trưởng xanh - giảm rác thải nhựa áp dụng trong ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế…
Hiện nay, thành phố Huế đang triển khai dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa và có 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn thành phố Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa. Từ năm 2019, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm tại cố đô Huế đã không còn sử dụng túi ni-lông và vật liệu nhựa sử dụng một lần. Đến nay, hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng ký cam kết về việc giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế tối đa các sản phẩm từ nhựa.
Thành phố Huế hướng đến đô thị hài hòa với thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa.
Tại các hội nghị, hội thảo trong ngành du lịch không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần và sử dụng chai thủy tinh; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ Chủ nhật hàng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc… Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cùng cam kết đào tạo nhân viên về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa... để cùng bảo vệ môi trường và xây dựng Huế thành Đô thị giảm thải nhựa.
Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm, trong đó, lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm). Từ thực tế này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, thể hiện quan điểm hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch. Trong đó, có thể kể đến quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tiến tới sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại khu, điểm du lịch; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến năm 2025, 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch…
Tuy nhiên, ngành Du lịch với hàng trăm triệu khách/năm là nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Vì vậy, bên cạnh 6 chỉ số năng lực phát triển du lịch ở vào nhóm dẫn đầu thế giới thì chỉ số sự bền vững về môi trường là thấp nhất: 94/117. Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bên vững với nhiệm vụ trọng tâm là giảm thiểu rác thải nhựa cần sự vào cuộc tham gia của nhiều ban, ngành, tổ chức, các doanh nghiệp du lịch và người dân để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa trong du lịch nói riêng.
Trong đó, ngành Công Thương giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giúp người dân nhận biết được các sản phẩm thân thiện, từ đó, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần. Cùng đó, ngành Du lịch, các tỉnh, thành phố truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch... tiến tới xóa sổ rác nhựa khỏi các điểm du lịch...
Thu Trang
Bình luận