Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ hai, 20/05/2024 18:05
TMO - Tỉnh Đồng Nai thực hiện “Điều tra, thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm và đề xuất biện pháp giảm thiểu, ứng phó trên địa bàn”, từ đó đưa ra các biện pháp làm giảm lượng phát thải khí nhà kính của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, từ quý II - IV/2024, các ngành chức năng triển khai công tác thu thập thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính của các ngành công nghiệp trọng điểm: thu thập, tổng hợp và sàng lọc danh sách các cơ sở thuộc 11 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo mức sử dụng năng lượng và nhiên liệu của từng cơ sở… Rà soát đánh giá, kiểm chứng và hiệu chuẩn dữ liệu hoạt đồng để bảo đảm chất lượng dữ liệu đầu vào phục vụ tính toán mức phát thải khí nhà kính.
Lựa chọn hệ số phát thải và thực hiện mức phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp trọng điểm: lựa chọn hệ số phát thải phù hợp để tính toán kiểm kê ở 2 lĩnh vực năng lượng và quy trình công nghiệp, sử dụng sản phẩm (IPPU); thực hiện áp dụng công thức tính toán mức phát thải khí nhà kính ở lĩnh vực năng lượng cho 11 ngành công nghiệp và lĩnh vực IPPU cho 2 ngành công nghiệp hoá chất và luyện kim.
Thông qua số liệu điều tra cụ thể tiến hành nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp để từng bước giảm mức phát thải khí nhà kính theo từng ngành công nghiệp và toàn ngành Công Thương tỉnh. Cụ thể, phân loại các nhóm giải pháp về quản lý kiểm soát; hỗ trợ khuyến khích phát triển thị trường xanh, thị trường tín chỉ các-bon; giải pháp kỹ thuật áp dụng tiết kiệm năng lượng đối với các cơ sở có mức phát thải lớn hơn 1000 TOE; nhóm giải pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kinh cho ngành Công Thương tỉnh.
Từ Quý III/2024, tiến hành lập báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nhiệm vụ và báo cáo tổng kết nhiệm vụ. Dự toán chi phí thực hiện kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh năm 2024 là 1.350.000.000 đồng - từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 - Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện; phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan lập dự toán chi tiết thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo quy định. Sở Công Thương tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai trước ngày 25/12/2024.
Sở TN&MT Đồng Nai, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Sở Công Thương tham gia xây dựng, triển khai Kế hoạch “Điều tra, thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm và đề xuất biện pháp giảm thiểu, ứng phó trên địa bản tỉnh Đồng Nai” và đề xuất các giải pháp từng bước giảm mức phát thải khí nhà kính theo từng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Tỉnh Đồng Nai triển khai công tác điều tra, thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn (Ảnh minh họa).
Với quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 1.600 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 1.000 dự án có vốn đầu tư trong nước. Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh kéo theo đòi hỏi rất nhiều nỗ lực giữ gìn, bảo vệ môi trường phát triển bền vững, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với phát triển xanh. Hiện nay hơn 2.600 doanh nghiệp tại Đồng Nai đang phát thải, sắp tới sẽ thu hút thêm 1.000 doanh nghiệp nữa, cho nên cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ, hiệu quả sản xuất để giảm phát thải, đồng thời phải có khối lượng bù trừ lại phần ô nhiễm.
Tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành đề án giảm khí carbon đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm carbon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để bảo đảm đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo.
Theo đó, giai đoạn 2025-2030 giảm 20%; giai đoạn 2030-2035 giảm 45%; giai đoạn 2035-2045 trung hòa carbon và giai đoạn 2045-2050 phát thải khí nhà kính bằng 0. Đề án đã chọn các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực chủ yếu ưu tiên thực hiện gồm: năng lượng; công nghiệp; giao thông; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị để triển khai cụ thể.
Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2030-2035. Năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon.
Hồng Nhung
Bình luận