Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ năm, 22/12/2022 10:12
TMO - Giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay không chỉ đối với các Chính phủ, các nền kinh tế, các tổ chức xã hội và mà cả đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành xi măng là một phân khúc quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn trong tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp. Sau đó Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã đưa ra danh sách các đơn vị sẽ phải thực hiện nghĩa vụ này”. Từ tháng 10/2023, các sản phẩm thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh kết nối thương mại toàn cầu.
Bộ Xây dựng cho biết, tại Nghị định 06, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho 5 Bộ với tổng mức hạn ngạch phải giảm phát thải 563,8 triệu tấn CO2 đến năm 2030, trong đó Bộ Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2. Bộ Xây dựng xác định, sản xuất xi măng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất, chiếm đến 70% tổng lượng phát thải trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Tại Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên liên quan tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2050, 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh và một số nội dung khác liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, cam kết tài chính, hợp tác quốc tế để thực hiện kế hoạch. Giai đoạn 2031-2050 phải đạt một số mục tiêu cụ thể như: Phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong năm 2023, Việt Nam sẽ tăng cường chính sách và năng lực kỹ thuật quốc gia cho thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ được thực hiện thí điểm tại 1 nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng - vốn có phát thải lớn trong quá trình sản xuất.
Việc xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ được Việt Nam thực hiện thí điểm tại 1 nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, từ năm 2023. Ảnh: D.Lam
Là một trong những nội dung quan trọng của Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu Khung minh bạch tăng cường (CBIT) của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai trong thời gian 4 năm (từ năm 2022-2026) với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong năm 2023 dự án sẽ xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện thí điểm tại 1 nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng.
Được biết, xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 70% tổng phát thải của ngành sản xuất vật liệu xây dựng năm 2015. Tỷ trọng này tăng lên 75% năm 2020, sẽ là ngành tập trung ưu tiên. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm vôi và xi măng là cao nhất. Các sản phẩm khác có tỷ trọng phát thải từ sử dụng nhiên liệu cao hơn so với phát thải công nghiệp.
Hiện có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính. Theo quy định của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, danh sách các đơn vị này sẽ được cập nhật 2 năm một lần. Các đơn vị cần thực hiện kiểm kê theo năng lực của mình đến năm 2026, bắt đầu xây dựng và triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch thương mại quota trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.
Giảm phát thải khí nhà kính đổi với nhóm sản xuất vật liệu xây dựng đặc biệt là xi măng là tối ưu hoá quá trình đốt clinker, giảm tổn thất nhiệt; sử dụng máy nghiền đứng trong sản xuất xi măng; thu hồi nhiệt thải từ quá trình sản xuất xi măng; nghiền tro bay thay thế clinker trong xi măng; nghiền Puzolan thay thế clinker trong xi măng; nghiền đá vôi thay thế clinker trong xi măng; nghiền xỉ lò thay thế clinker trong xi măng; áp dụng công nghệ CCS trong sản xuất xi măng.
Lê Hoàng
Bình luận