Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 21:11
Thứ sáu, 21/04/2023 08:04
TMO - Đồng bằng sông Cửu Long rất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, rất cần có giải pháp căn cơ để hạn chế tối đa những tác động ảnh hưởng xấu đến đời sống hàng chục triệu dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 với các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể.
Trên cơ sở đó, một số nhiệm vụ và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần được chú trọng, bao gồm: Tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hoá giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản.
Triều cường dâng cao ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân.
Chính phủ chủ trương đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thuỷ nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", khai thác lợi thế để phát triển bền vững; Xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; kiểm soát khai thác nước ngầm và tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hoà nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.
Cần xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ biển, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững; Xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng; phát triển rừng ngập mặn và các đa dạng sinh học ven biển gắn với bảo đảm đa dạng sinh học và sinh kế bền vững; Hoàn thiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp công trình kết hợp sơ tán dân phòng chống lũ, bão.
Cần ngăn chặn sụt lún
Theo các chuyên gia, trước thực tế mặt đất đồng bằng đang bị sụt lún rất nhanh do khai thác nước ngầm quá mức - một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng phức tạp, nếu không có các biện pháp ứng phó, đặc biệt là ứng phó với sụt lún thì vấn đề càng tồi tệ hơn.
Nguồn nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long được khai thác qua hệ thống bơm và được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Thời gian gần đây, lượng nước ngầm được khai thác ngày càng tăng nhanh, mức độ khai thác vượt quá trữ lượng bổ cập tự nhiên dẫn đến suy thoái về cấu trúc và trữ lượng các tầng chứa nước dưới đất. Việc sử dụng nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có nghịch lý. Ở các vùng ven biển do thiếu nước ngọt nên phải sử dụng nước ngầm, thế nhưng ngay trong vùng nội địa của đồng bằng, nước ngầm cũng đang bị khai thác quá mức.
Ngoài việc bị ô nhiễm bởi phải "gánh" một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu thải ra từ hoạt động trồng trọt, sông ngòi ở đây còn đang bị rất nhiều công trình cản trở, không lưu thông được dẫn tới tích tụ ô nhiễm khiến người dân buộc phải khai thác nước dưới đất để sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động này đang diễn ra với tần suất lớn nên sụt lún xảy ra rất nhanh. Giới chuyên gia cho rằng, tiến trình phục hồi nước ngầm mất rất nhiều thời gian. Dẫn chứng, Nhật Bản đã cấm khai thác nước ngầm, dầu khí vào khoảng năm 1985 nhưng phải đến năm 2000 mực nước ngầm mới "chững" lại và từ đó đến nay mới bắt đầu dâng lên. Cùng với đó, việc vận dụng tái bổ cấp nước ngầm đòi hỏi công nghệ, tiền bạc, thời gian… từng địa phương riêng lẻ khó có thể làm được.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long buộc phải có công trình để bảo vệ khỏi ngập lụt. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề lại nằm ở khu vực nông thôn và ngay trong nền nông nghiệp. Để giảm sụt lún phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn như vậy nước sông cần được sử dụng như thời điểm cách đây 20 năm. Bên cạnh đó, để nước sông trong sạch trở lại thì phải giảm phân bón, thuốc trừ sâu thải ra môi trường; giảm những công trình cản trở dòng chảy để tăng khả năng tự làm sạch của sông ngòi. Nền nông nghiệp của đồng bằng nên chuyển hướng theo Nghị quyết 120 của Chính phủ là giảm thâm canh, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Như vậy sông ngòi mới sạch hơn và về lâu dài mới giải quyết được vấn đề sụt lún của đồng bằng.
Một số chuyên gia nhận định, theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cây lúa sẽ không còn là ưu tiên số một mà sẽ ưu tiên cho thủy sản và các cây trồng khác rồi mới đến cây lúa. Cùng với đó, nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều phải được xem là tài nguyên thì mới giảm được nhu cầu làm các công trình ngăn cản sông ngòi. Lúc đó sông ngòi sẽ thông thoáng hơn, sông ngòi sẽ tự phục hồi và tình trạng sử dụng nước ngầm cũng sẽ giảm.
Mỹ Hòa – An Thới
Bình luận