Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ ba, 19/09/2023 14:09
TMO - Theo Bộ Xây dựng, qua 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình.
Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường.
Bộ Xây dựng cho biết, các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng phát thải nhà kính (KNK) thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đưa vào thực hiện. Cụ thể, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã nêu việc thúc đẩy phát triển công trình xanh. Phát triển công trình xanh cũng là chỉ tiêu để đánh giá, phân loại đô thị theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng đã được ban hành.
Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7,2 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.
Tuy nhiên, con số công trình xanh còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh tại nước ta trong thời gian qua cũng đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những tác động của đại dịch COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về: tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…
Phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng phải gắn kết với đô thị xanh, không gian xanh. Ảnh: PH.
Là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng công trình xanh với 40/300 công trình, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội nhanh và mạnh mẽ, sự bùng nổ dân số do gia tăng dân số cơ học kèm theo nhu cầu phát triển các công trình cao tầng (gồm nhà ở và các công trình thương mại dịch vụ) và các công trình nhà ở tại TP. Hà Nội đã đem tới các mặt trái của đô thị hóa. Các đô thị lớn của Hà Nội luôn cần phát triển công trình xanh.
Hà Nội xác định mục tiêu chính của công trình xanh là giữ gìn bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Thủ đô Hà Nội khác với các thành phố trên thế giới do có 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh, không gian xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hoà khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải cho môi trường. Vì vậy, mục tiêu quan trọng và lâu dài đối với thành phố Hà Nội là giữ gìn “lá phổi xanh” song song với quá trình triển khai các công trình xanh. Hà Nội hiện đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt liên quan đến thực hiện quy hoạch, triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW vá các văn bản có liên quan...
Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong công tác thúc đẩy phát triển công trình xanh trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế. Phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng phải gắn kết với đô thị xanh, không gian xanh và lấy trọng tâm là con người và bản sắc địa phương hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên
Về chính sách cụ thể, cũng đồng tình với đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách, hàng lang pháp luật quy định rõ ràng về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo trường hợp cụ thể (liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc...). Quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi của các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội đồng Công trình xanh... và các chuyên gia nước ngoài.
Bộ Xây dựng sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình. công trình xanh, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu được xác định là những chủ đề quan trọng trong ngành xây dựng và phát triển đô thị hiện nay và giữa các chủ đề có sự tương tác trực tiếp lẫn nhau. Ưu tiên và thúc đẩy phát triển công trình xanh sẽ đảm bảo quá trình đô thị hoá không chỉ có lợi cho người dân hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên.
Lê Hoàng
Bình luận