Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 11:11
Thứ hai, 14/08/2023 18:08
TMO – Việt Nam là đất nước có thế mạnh về biển. Đây được xác định là tiềm năng lớn để khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện đang gặp nhiều khó khăn thách thức, do đó rất cần phải giáp để tháo gỡ.
Như đã nêu trong bài viết trước, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đường bờ biển dài khoảng 3.260km; khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng; các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (trải dài trên 28 tỉnh, thành phố ven biển). Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế biển liên quan đến cơ chế, chính sách; nguồn kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai thực hiện.
Để tháo gỡ những hạn chế vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong toàn xã hội về phát triển kinh tế biển bền vững; đồng thời, nhanh chóng triển khai “Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030” nhằm đổi mới tư duy về tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW đối với phát triển kinh tế biển xanh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin giúp các bên liên quan (các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân, cộng đồng và các tổ chức thanh niên) ở cấp quốc gia, tỉnh và khu vực về cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững; ngăn ngừa xung đột giữa các ngành, lĩnh vực và dung hòa, bảo tồn, phát huy vốn biển tự nhiên gắn với phát triển kinh tế; xác định rõ vai trò chiến lược quy hoạch không gian biển trong thu hút các dự án đầu tư.
Thủy, hải sản - một trong những nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Ảnh minh họa.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các bộ, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá tổng thể và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về xây dựng kinh tế biển, đảo, góp phần thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo đảm tạo hành lang pháp lý về đổi mới, phát triển mô hình kinh tế biển xanh, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; đẩy nhanh việc xác lập và trình duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và địa phương có biển.
Bảo đảm nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW, xác định lại các chiến lược sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các nguồn vốn khác trong nước và quốc tế; ưu tiên và kịp thời bố trí nguồn lực trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm phát huy hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, dự án được phê duyệt; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng cân đối nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Trung ương để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết trong dự toán ngân sách hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác, UBND các tỉnh trình HĐND dân kế hoạch bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ được giao theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Tăng cường vai trò điều phối trong tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36-NQ/TW trên quy mô toàn quốc. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã được xác định tại Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 26/NQ-CP (năm 2020) của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mặt khác, kiện toàn các đơn vị ở Trung ương và các địa phương có biển có chức năng quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về tài nguyên biển gắn với các hoạt động sản xuất kinh tế (bảo đảm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có tính đến thực tế mang tính đặc thù trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường biển, đảo); chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao, cùng với khoa học - công nghệ làm khâu đột phá.../.
Những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế biển (Bài 1)
QUỐC DŨNG
Bình luận