Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 10:01
Thứ hai, 01/04/2024 14:04
TMO - Các hệ thống cảng biển cần phát triển mạnh, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, chú trọng đến các cảng nước sâu, tạo cửa mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới; cùng những chính sách đặc thù nhằm phát triển các vùng nông thôn ven biển và hải đảo trên 3 mặt: Dân trí, dân sinh, dân chủ; từ đó, tạo cơ chế thu hút nhân dân ra làm ăn, sinh sống trên các đảo.
Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển kéo dài 3260 km, đi qua 28 tỉnh thành phố, có trên 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng cùng tổng chiều dài khoảng 45.000m; 112 cửa sông, 47 vùng vịnh, 2770 đảo lớn, nhỏ ven bờ với diện tích khoảng 1720 km2, phân bố rải rác trên các vùng biển ven bờ vịnh Bắc Bộ, biển Tây Nam và phía Nam... Có thể thấy, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển là rất lớn.
Có thể thấy biển đảo ven bờ Việt Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị xã hội, quốc phòng và an ninh, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế vùng ven bờ theo hướng hài hòa, bền vững, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, sự cần thiết và yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển; các biện pháp triển khai công tác tuyên truyền phải được tiến hành một cách chủ động tích cực và thường có sự vào cuộc của các ban ngành, cấp uỷ và chính quyền địa bàn, nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của cán bộ, nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Xây dựng hoàn thiện các chính sách phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển trong tình hình hiện nay. Cụ thể, các chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển cần được sớm hoàn thiện, trong đó, có chính sách phù hợp để thực hiện các hoạt động kết nối đất liền với các đảo, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo tính kết nối giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch và tuyến du lịch để hỗ trợ nhau phát triển. Các hệ thống cảng biển cần phát triển mạnh, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, chú trọng đến các cảng nước sâu, tạo cửa mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới; cùng những chính sách đặc thù nhằm phát triển các vùng nông thôn ven biển và hải đảo trên 3 mặt: Dân trí, dân sinh, dân chủ; từ đó, tạo cơ chế thu hút nhân dân ra làm ăn, sinh sống trên các đảo.
Đối với việc phát triển các ngành nghề chính ở biển, cần tập trung thực hiện theo các lĩnh vực: Khai thác, chế biến hải sản; du lịch biển; hàng hải; nghiên cứu khoa học công nghệ trong khai thác và quản lý kinh tế biển. Về lĩnh vực khai thác, chế biến hải sản, nên hạn chế khai thác gần bờ để tái tạo nguồn lợi hải sản đang bị cạn kiệt, tập trung nhân lực và nguồn vốn cho các tàu lớn để tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản xa bờ. Phát triển chế biến thuỷ sản bền vững theo quy hoạch, gắn với phát triển vùng nguyên liệu thuỷ sản; tăng cường chế biến sâu, chú trọng đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị và sản phẩm sử dụng ít nguyên liệu thuỷ sản; thúc đẩy đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trong các nhà máy chế biến hiện có.
Về lĩnh vực hàng hải, cần thực hiện chủ trương phấn đấu một số tỉnh, thành phố ven biển đến năm 2025 sẽ có các cảng biển chuyên nghiệp như: Cảng chuyên cho du lịch tàu biển, cảng chuyên dịch vụ hậu cần cảng,… và nên phát triển một số cảng theo hướng phục vụ tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng có trọng tải lớn,… Ngoài ra, chú trọng phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển theo hướng nâng cao chất lượng, cung cấp các dịch vụ trọn gói; phát triển theo hướng hiện đại hoá cả về số lượng và chất lượng dịch vụ chuyên dụng: Công vụ, hoa tiêu, lai dắt, bảo đảm hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng hải, nghiên cứu thăm dò – khảo sát tài nguyên biển, du lịch, thể thao, giải trí và các loại tàu dịch vụ chuyên dụng khác.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ trong khai thác và quản lý kinh tế biển, cần thường xuyên khảo sát, điều tra, thu thập thông tin về kinh tế - xã hội, tài nguyên, sinh vật cảnh và dữ liệy quan trắc chất lượng môi trường vùng biển. Chú ý nghiên cứu đến các điều kiện tự nhiên như địa hình, địa mạo, địa chất, khoáng sản, tài nguyên, năng lượng sạch, địa động lực biển và bờ biển, phục vụ cho việc quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo…
Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững
Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. HCM chuẩn bị khởi công xây dựng.
Trong đó, về kinh tế biển: Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...
Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển: Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao.
Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm cả thông qua việc ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương./.
PHẠM DUNG
Bình luận