Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ năm, 06/04/2023 05:04
TMO - Thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí hợp lý.
Trong những năm qua, việc khai thác và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch năm sau đều cao hơn năm trước; tính đến hết năm 2022 số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 839 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, các công trình cấp nước đa số có quy mô nhỏ, gồm: 35 công trình có công suất thiết kế cấp nước cho trên 250 hộ; 112 công trình cấp cho từ 100-250 hộ, 692 công trình cấp nước dưới 100 hộ) đảm bảo cho 96% tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Mức độ bền vững của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đánh giá thông qua 05 tiêu chí sau: 33 công trình được đánh giá hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 3,9%; 220 công trình được đánh giá hoạt động tương đối bền vững, chiếm tỷ lệ 26,2%; 467 công trình đang hoạt động kém bền vững, chiếm tỷ lệ 55,7%; 119 công trình không hoạt động, chiếm tỷ lệ 14,2%.
Tỉnh Lào Cai đang triển khai đồng bộ các giải pháp như mở rộng, hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch, đưa nước sạch về đến vùng dân tộc thiểu số.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, 95% dân số được dùng nước hợp vệ sinh với tiêu chuẩn 80 lít/người/ngày đêm. Đến năm 2030, có 97% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%. Đến năm 2050 có 100% dân số được dùng nước hợp vệ sinh với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày đêm.
Từ nay đến năm 2030, địa phương này triển khai các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng nước ngầm và giai đoạn từ 2030 đến 2050 ưu tiên sử dụng hoàn toàn nước mặt. Tiếp tục đầu tư công trình thuỷ lợi lớn để tạo nguồn, hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt.
Trong đó, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng nước tại các công trình đã có, thay thế các dây chuyền công nghệ xử lý nước lạc hậu bằng các dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống xử lý nước và đảm bảo chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn. Xây dựng các nhà máy cấp nước liên khu vực, có công suất lớn trên 500m³/ngày.đêm để thuận tiện cho việc kiểm soát chất lượng nước, thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành, giảm giá thành sản xuất.
Ưu tiên đấu nối mở rộng từ các công trình cấp nước đã hoạt động bền vững (từ các nhà máy cấp nước đô thị để cấp nước cho vùng nông thôn). Lấy nước từ các công trình hồ chứa thủy lợi, nơi có nguồn cung tương đối ổn định về trữ lượng và chất lượng nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân Hạn chế tối đa xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ, các công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ.
Đối với những vùng dân cư phân tán, không có điều kiện xây dựng các công trình cấp nước tập trung và có điều kiện đặc biệt khó khăn về nguồn nước có thể hỗ trợ người dân từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác để mua sắm thiết bị hoặc xây dựng bể chứa nước quy mô hộ gia đình, tích trữ nước trong mùa mưa để sử dụng vào mục đích ăn uống trong mùa khô kết hợp với mô hình thủy lợi, ao hồ nhỏ để chủ động nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho người dân.
Khuyến khích người dân nông thôn tự mua sắm các thiết bị lọc để xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo sức khỏe. Xây dựng hoàn thiện các chính sách để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tại chỗ, trong đầu tư xây dựng và quản lý công trình cấp nước sau đầu tư. Định hướng: Đến 2030, quy hoạch tối thiểu 128 hệ thống cấp nước nông thôn, tổng công suất toàn hệ thống 122.700 m3 / ngày đêm, trong đó, đến 2025 là 37.900 m3 / ngày đêm, và đạt 122.700 m3 /ngày đêm vào năm 2030; sau năm 2030, cải tạo, duy trì hệ thống cấp nước nông thôn hiện có, đầu tư xây dựng mới nhà máy cấp nước sinh hoạt tại các trung tâm xã trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tại trung tâm các xã đều có nước sạch sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tổng công suất cấp nước đến năm 2050 đạt 160.600 m3 /ngàyđêm .
UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cấp nước nông thôn, đề xuất quản lý vận hành hiệu quả.
Để người dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đúng quy chuẩn của Bộ Y tế trong thời gian tới tỉnh Lào Cai tăng cường công tác khảo sát, giám sát của các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố đối với các chủ thể được giao công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp các danh mục công trình cấp nước tập trung hư hỏng xuống cấp đề xuất xem xét, bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp các công trình và chất lượng nước đạt quy chuẩn; đảm bảo cấp nước sạch thường xuyên liên tục, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các loại bệnh liên quan đến nước; nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách cấp bù giá nước từ ngân sách tỉnh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước, quản lý công trình; đề xuất xây dựng chính sách “Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030” trình HĐND tỉnh ban hành trong năm 2023.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch&Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các Chương trình, chính sách liên quan đến lĩnh vực cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Sở Y tế khẩn trương trình UBND tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình để làm cơ sở căn cứ triển khai đánh giá, thẩm định đối với các xã về đích nông thôn mới nâng cao, hoàn thành trong năm 2023.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giao kế hoạch thu chi tiền sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cùng với giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các đơn vị quản lý. Định kỳ tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý khai thác công trình cấp nước sạch trên địa bàn cấp huyện 6 tháng/1 lần để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao tính bền vững các công trình cấp nước sinh hoạt ở địa phương; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đánh giá thực trạng công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, làm rõ những tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục...
Minh Hương
Bình luận