Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ sáu, 05/01/2024 20:01
TMO – Gia Lai sẽ hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; phát triển nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Đồng thời ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp và phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ nhằm xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Là địa phương tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.
(Ảnh minh họa)
Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,57%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 9,20%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 9,92%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Mục tiêu đến năm 2050, Gia Lai là "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Môi trường sinh thái tỉnh Gia Lai xanh hơn, bền vững hơn với khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. Tái lập hệ sinh thái đặc sắc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tăng cường đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn, bảo vệ cấu trúc địa chất núi lửa Tây Nguyên. Có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, xanh, thông minh kết nối với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn dịch vụ vận tải; hạ tầng công nghệ số liên thông với hạ tầng số quốc gia. Hệ thống đô thị phát triển hiện đại liên kết với khu vực nông thôn, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, tiện ích xã hội. Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điểm sáng vùng Tây Nguyên
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Gia Lai trong 6 tháng ước đạt 5,54% (đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt hơn 10.067 tỷ đồng, đạt 28,15% kế hoạch, tăng 4,78% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt gần 2.878 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, đạt 48,7% dự toán giao, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm (giá so sánh 2010) ước đạt hơn 14.103 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu ước 420 triệu USD, đạt 61,76% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 16.352 tỷ đồng, đạt 38,93% kế hoạch, tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao là 4.148,4 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 2.091,4 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 2.057 tỷ đồng), tính đến ngày 14-6 đã giải ngân 428,12 tỷ đồng, đạt 10,32% kế hoạch.
THÁI THỊNH
Bình luận