Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 09:01
Thứ bảy, 10/06/2023 06:06
TMO - Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của tỉnh để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế - xã hội vững mạnh và văn minh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh. Do đó, thu hút đầu tư thời gian tới của Việt Nam cũng được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế. Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
Hệ thống cây xanh được trồng, chăm sóc tạo không gian xanh cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn nhận thức một cách rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của tỉnh để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế xã hội vững mạnh và văn minh. Theo đó, địa phương này trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (trong đó xếp thứ 9/63 về chỉ số xanh PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn.
Thông tin từ UBND tỉnh, để có được kết quả đó, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tập trung vào việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành nhiều quy định về bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường, xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy xử lý rác thải tại huyện Tam Dương và huyện Yên Lạc.
Đồng thời, hướng mạnh đến các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, dược phẩm, nông nghiệp chất lượng cao… gắn với mục tiêu phát triển bền vững bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới, từ chối thu hút đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo lãnh đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chỉ số Xanh cấp tỉnh là sáng kiến vô cùng quan trọng, không những tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở địa phương, mà còn tạo động lực để các địa phương có bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của DN, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và thế giới.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh, đặc biệt là thu hút các dự án có quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong các KCN. Trong thời gian qua, Ban Quản lý đã tăng cường đôn đốc, chỉ đạo và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định theo đúng pháp luật về môi trường; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, thoát nước theo tiêu chuẩn về môi trường… Kết quả, gần đây một số KCN đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép về môi trường và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các KCN nhanh chóng triển khai các hoạt động thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững và tuân thủ nghiêm túc các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường trong các KCN.
Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn tại các KCN là một trong yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực này.
Cùng với Vĩnh Phúc, các địa phương tại vùng đồng bằng sông Hồng đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ số Xanh cấp tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch triển khai kết quả dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hàng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. Đồng thời, quan tâm sử dụng nguồn kinh phí thu được từ phí, thuế bảo vệ môi trường.
Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới trong những năm qua. Trong khi đó, đại diện tỉnh Bắc Giang đã đưa ra những chính sách mà địa phương đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Bùi Hằng
Bình luận