Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Thứ sáu, 20/01/2023 12:01
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Càng học được nhiều hơn nếu cái “ngày đàng” ấy được thực hiện trong những ngày xuân mới, thời điểm mà mọi con người, cộng đồng, vùng đất đều khoe những nét hay, vẻ đẹp mang bản sắc riêng có của mình. Ấy là điều mà tôi cảm nhận thật rõ trong hành trình du xuân qua một khúc Miền Trung trong mùa Xuân trước…
Từ một nét xuân trở lại
Nếu từ Ninh Bình, Thanh Hóa trở ra vẫn là khung cảnh quen thuộc của những ngày xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ với những lá cờ Hội cỡ đại tung bay trong gió trước các mái đền, chùa thẫm lại vì mưa xuân, với tiếng trống hội thì thùng vang ra từ những thôn xóm ven đường, với những đoàn người rộn ràng đi chúc Tết… thì khi những vòng bánh xe đầu tiên chạm đất xứ Nghệ phong cảnh ngày xuân đã có đôi phần khác lạ.
Nét xuân độc đáo dễ thấy nhất là những cây Nêu được trang trí vui mắt với đèn lồng và lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn trồng trước các ngôi nhà hai bên con đường Thiên lý Bắc-Nam.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: N.Linh)
Dù không mấy giống trong ký ức của tôi thời xa xưa khi về quê ở vùng Kinh Bắc ăn Tết, nhưng những cây Nêu xứ Nghệ hôm nay vẫn đem lại một không khí mùa xuân cho những thôn làng, phường phố mà chúng tôi đi qua trong sáng xuân ấy sau hàng chục năm hầu như vắng bóng.
Dừng chân tại một quán trà trên đường Nguyễn Trãi thành phố Vinh, tôi bất ngờ có một phát hiện thú vị, một cửa hàng với tấm biển nho nhỏ: Bán Cây Nêu! Thì ra trong khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào trồng cây Nêu ngày Tết đã được phục hồi và lan tỏa khắp mọi miền quê tỉnh Nghệ An, từ những thôn xóm Quỳnh Lưu, Diễn Châu, phố phường thành Vinh cho đến làng bản Quế Phong, Kỳ Sơn…khiến không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc thêm rộn rã. Cũng nhờ nét đẹp ngày xuân này được phục hồi mà dịch vụ bán cây nêu khá nhộn nhịp. Mỗi cây tre đủ tiêu chuẩn dùng làm cây nêu có giá từ 100 -120 nghìn đồng, thêm các đồ trang trí thì có giá khoảng 650-700 nghìn đồng. Như vậy, ngoài ý nghĩa đón xuân, cầu chúc an lành, việc nhà nhà trồng cây Nêu đón xuân còn như một chỉ dấu của sự sung túc, no đủ trong thời điểm Tết đến, xuân về.
Đến Khát vọng Mai vàng
Chiều mùng 3 Tết năm Nhâm Dần, chúng tôi tới Huế trong lất phất mưa xuân. Cơn lạnh ngày gió mùa không ngăn nổi cảm giác mùa xuân đang chộn rộn nơi đây. Có lẽ bởi những cội mai vàng nở rực trước Đại nội Huế, dọc đường Lê Duẩn, trước sân đình, nhà dân, cơ quan, công sở… Dân xứ Bắc, nhất là Hà Nội vốn chỉ quen đón xuân với hoa đào. Đủ cả các loại, đào phai, đào bích, rồi đào rừng… Chỉ sau ngày Đất nước thống nhất, mùa xuân Hà Nội mới thêm sắc vàng hoa mai, thường là giống mai mang ra từ miền Nam, được trồng trong chậu. Vậy nên tôi thực sự bị cuốn hút bởi rừng mai vàng khoe sắc giữa đất trời xứ Huế, như từng ngỡ ngàng chiêm ngưỡng sắc hồng Mai anh đào rực rỡ phố phường Đà Lạt hay rừng ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Bên li rượu mừng xuân, bạn đồng nghiệp chia sẻ: Đây là kết quả ban đầu của phong trào “Mai vàng trước ngõ” do ông Phạm Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy khởi xướng khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện ý tưởng đầy lãng mạn này, các cơ quan, công sở sẽ trồng ít nhất hai gốc mai trong khuôn viên, mỗi nhà dân trồng một cây trước sân nhà. Đến độ xuân về, mai vàng sẽ bung nở vàng rực, tỏa hương thanh khiết và Huế xứng danh xứ sở của hoàng mai.
Mai vàng trong Kinh thành Huế. Ảnh: Lưu Ngọc Bảo
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu chính quyền Thừa Thiên- Huế khởi xướng phong trào này. Mai vàng vẫn được coi là nét đặc trưng của mùa xuân phương Nam. Nhưng Hoàng mai xứ Huế lại có bản sắc riêng với nguồn gien đặc hữu, quý và đẹp nhờ có những nhánh lộc xanh, dày, hoa cuống ngắn, năm cánh mầu vàng đậm, xếp khít nhau tỏa hương thơm dịu nhẹ. Với mong muốn bảo tồn nguồn gien của loài hoa quý cùng khát vọng đưa Huế trở lại là xứ sở của Hoàng Mai, từ cuối năm 2021, 2 đề tài KH&CN cấp tỉnh là “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế” và đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được triển khai thực hiện với mục tiêu xác định những đặc điểm sinh học, hình thái của các loại Mai vàng hiện hữu tại vùng đất cố đô. Kết quả nghiên cứu của đề tài được kỳ vọng sẽ là cơ sở bảo tồn và lưu giữ được nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu và nhân giống, xây dựng bộ nhận dạng giúp phân biệt được cây Mai vàng Huế với các loại mai khác nhằm tạo nên một sản phẩm đặc hữu, riêng biệt cho địa phương.
Khi tôi viết những dòng này, có một tin vui đến từ bạn đồng nghiệp đất Huế: Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế vừa có Quyết định cho phép thành lập Hội Hoàng mai Huế. Vậy là thêm một tổ chức chung tay bảo tồn, phát triển giống Mai vàng quý hiếm, cũng là hành động góp phần bảo vệ những giá trị của thiên nhiên, môi trường đất nước.
Và màu hoa đất Quảng
Trong chuyến du xuân năm Nhâm Dần, nếu như suốt chặng đường từ Nghệ An, qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rồi Thừa Thiên –Huế, chúng tôi đều đi trong mưa lạnh bởi ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường thì khi vừa qua hầm Hải Vân, Đà Nẵng đón chúng tôi với nắng vàng dịu nhẹ, gió xuân mơn man, biển xanh vờn cát trắng…
Và góp vào cảnh sắc mùa xuân vốn đã hân hoan đó là màu vàng hoa cúc. Ở đâu nơi thành phố đáng sống này cũng có thể gặp những bông cúc nở vàng rực rỡ. Trước cửa các nhà dân ven đường, trên dải phân cách những con đường lớn hay trong công viên ven biển. Đặc biệt và gây ấn tượng nhất là những chậu cúc vàng đại đóa trưng hai bên cổng nhà người dân, cửa hàng, cửa hiệu, công ty, khách sạn… Xuân về trăm hoa khoe sắc, nhưng có vẻ như ở nơi đây cúc là loài hoa chiếm địa vị chủ đạo mỗi độ Tết đến Xuân về. Không sang trọng, đài các như mai vàng phương Nam, đào thắm miền Bắc, những khóm hoa cúc dân dã mang tới không gian Tết của từng gia đình nét đẹp bình dị mà cứng cáp, làm liên tưởng tới tính cách của người dân vùng đất miền Trung. Bên cạnh ý nghĩa mang đến tài lộc, may mắn cho ngày đầu năm mới, là biểu trưng của sự sum họp, đoàn viên… hoa cúc được đón nhận còn bởi sự gần gụi, thân thương của nó. Nói vậy bởi cúc vàng là loài hoa mang mùa xuân đến mọi nhà vì với giá bình dân, dù khó khăn, thiếu thốn mỗi gia đình vẫn có thể mua được một bó hoa cúc vàng về chơi Tết. Màu vàng của những cánh hoa cúc mỏng manh như tỏa nắng, thắp lên không khí ấm áp cho bàn thờ gia tiên hay sáng rỡ nơi hiên nhà lộng gió trong những ngày Tết truyền thống ở vùng đất miền Trung này.
Những cây Nêu ở Nghệ An, đường Hoàng mai thành Huế hay chậu cúc đại đóa trước cổng nhà người dân trên đường phố Đà Nẵng… và nhiều nét đẹp ngày xuân khác đã có một thời vắng bóng trong những ngày xuân, vì nhiều lý do, mà rõ nhất là trong những thời điểm cuộc sống còn khó khăn, vất vả. Sự trở lại của những điều đẹp đẽ ấy một lần nữa cho thấy một chân lý giản đơn: Khi người dân quan tâm đến ý nghĩa những cây Nêu, nét đẹp rực rỡ của Mai vàng hay sắc vàng đằm thắm của hoa cúc, chính là lúc họ đã có một cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, thấy bằng lòng với những gì mà mình có được trong cuộc sống để có thể nhớ đến, phục hồi những phong tục tốt đẹp, những giá trị quý báu như vậy của cha ông xưa, để mà tô điểm, vun đắp cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.
Lại mong đến một chuyến du xuân giữa đất trời, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp trong mùa xuân Quý Mão này…
Ghi chép của Việt Anh
Bình luận