Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 03:11
Thứ năm, 25/01/2024 08:01
TMO - Luật Hóa chất (sửa đổi) tập trung giải quyết 06 nhóm chính sách lớn. Trong đó, quy định cụ thể hơn đối tượng, phạm vi áp dụng Luật và phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại.
Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2008. Luật đã thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm đổi mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất như: Luật Đầu tư, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng Vũ khí, Vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường... khiến cho các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất phải thay đổi theo, dần làm giảm tính hài hòa, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhiều chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đã có sự thay đổi lớn, cụ thể như: chủ trương cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính; xu hướng quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; các quy định về hoạt động đầu tư; chủ trương đẩy mạnh chính phủ điện tử hướng tới xây dưng chính phủ số, nền kinh tế số phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chủ trương đẩy mạnh phát triển các "ngành công nghiệp nền tảng", "phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", "quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường"... làm phát sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Đồng thời, nâng cao tính khả thi của Luật Hóa chất và bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của các Nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hóa chất; tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn nữa về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp ngành hóa chất, các Nhà đầu tư trong lĩnh vực hóa chất; thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Ngày 23/1 mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các Luật (sửa đổi, bổ sung). Cụ thể: Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 6/2024.
Theo Bộ Công Thương, Luật Hóa chất (sửa đổi) có 6 nhóm nội dung, đây là những chính sách lớn cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể gồm: Nhóm chính sách quy định cụ thể hơn đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Hóa chất. Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Nhóm chính sách quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Nhóm quản lý hóa chất trong sản phẩm; Nhóm chính sách nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất và nhóm chính sách quy định về thông tin hóa chất.
NGÔ HUYỀN
Bình luận