Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 12:09
Thứ năm, 15/08/2024 08:08
TMO - Quốc hội đề nghị thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Những vấn đề nào đã rõ, được thực tế chứng minh thì sửa đổi, còn những vấn đề chưa rõ, chưa được chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 vừa diễn ra mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Theo đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng; cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò và khai thác. Qua làm việc với các địa phương cho thấy, có 5 nhóm kiến nghị về những vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật; trong đó, 3 nhóm có giải pháp giải quyết rõ ràng trong dự thảo Luật lần này, 1 nhóm vướng mắc hiện còn 2 phương án lựa chọn liên quan đến Điều 16 dự thảo Luật về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản.
(Ảnh minh họa)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm đối với 2 nội dung còn 2 phương án khác nhau là Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Đối với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản từ quy định của Luật hiện hành là Bộ Xây dựng và Bộ Công thương sang tập trung thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường như dự thảo Luật. Đánh giá tác động chính sách cũng là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chuyên môn, về khả năng có thể quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản theo dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Yêu cầu thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. "Những vấn đề nào “đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh” thì sửa đổi, còn những vấn đề “chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh” thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật".
Cho ý kiến về phân nhóm khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cách tiếp cận của dự thảo Luật là phân nhóm dựa trên cả công dụng và mục đích quản lý. Công dụng đã thấy rất rõ và Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phân loại theo công dụng, tuy nhiên, phân loại theo mục đích quản lý rất quan trọng, tùy theo từng giai đoạn mục đích quản lý có thể thay đổi. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ.
Đối với những nội dung còn thiết kế 2 phương án liên quan đến quy hoạch khoáng sản và điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, chưa nên đóng khung ngay chọn phương án nào mà cần phân tích sâu thêm về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, sau đó trình tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, sau đó trình Quốc hội thảo luận tiếp.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7 (diễn ra hồi tháng 5 vừa qua), Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; có 77 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và 19 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường. Đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản và cơ bản thống nhất với bố cục cùng nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo và học tập kinh nghiệm quốc tế; tổ chức làm việc với một số cơ quan… để góp ý cho dự thảo Luật.
ĐOÀN VINH
Bình luận