Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 21:11
Thứ bảy, 22/04/2023 20:04
TMO - Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều hộ nông dân bị thua lỗ trong chăn nuôi là do không gian chăn nuôi ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe. Do đó, Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng, không chỉ trong vấn đề an ninh dinh dưỡng mà còn là sinh kế của hàng chục triệu người nông dân. Sau một thời gian dài phát triển, ngành chăn nuôi đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu và góp phần quan trọng giữ vững mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, ổn định và từng bước cải thiện thu nhập, đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất chăn nuôi trong nước đang xuất hiện rất nhiều bất cập và ngày càng khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp đang bị thua lỗ triền miên, có nguy cơ phá sản hàng loạt trong thời gian tới.
(Ảnh minh họa)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên đó là do không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe. Do đó, Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai (sửa đổi).
Lý do, hiện nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi. Cụ thể, theo kết quả điều tra thống kê năm 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là 27.983.482 ha, trong đó: đất trồng trọt 11.718.391 ha, đất lâm nghiệp 15.404.790 ha, đất nuôi trồng thủy sản 786.184 ha, đất làm muối 15.586 ha và đất nông nghiệp khác 58.532 ha. Trong khi các nước trên thế giới đều dành một tỷ trọng rất lớn đất cho chăn nuôi; nhất là các nước châu Âu, thường đất đồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi luôn chiếm từ 50-70 % diện tích đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chưa tính đến quỹ đất cho nhu cầu mở rộng quy mô đàn vật nuôi theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 về Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 thì quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi, hạn cuối cùng phải thực thi là ngày 1/1/2025 là rất lớn.
Hội Chăn nuôi và và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi cũng kiến nghị cần đưa vào phần giải thích từ ngữ của Luật Đất đai (sửa đổi) khái niệm làm rõ đất cho chăn nuôi tập trung để các địa phương áp dụng trong quy hoạch, vì chăn nuôi tập trung có tính đặc thù cao: “là đất nông nghiệp, có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài, đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh và môi trường”. Sản xuất chăn nuôi rất rủi ro, suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trang trại chăn nuôi là cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và môi trường, có khoảng cách tối thiểu với khu dân cư, công trình công cộng...Do đó, rất cần có những quy định cụ thể hạng mục đất dành cho chăn nuôi tập trung trong Luật đất đai sửa đổi. Nếu không có quy định rõ ràng, thì trong thực tế các địa phương và ngành chăn nuôi sẽ không thể xử lý được những bất cập về đất đai, mặt bằng cho nhu cầu xây dựng chuồng trại, mở rộng sản xuất và hoàn thành việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Bảo vệ môi trường.../.
Thiên Lý
Bình luận