Hotline: 0941068156
Thứ ba, 03/12/2024 03:12
Thứ hai, 08/05/2023 11:05
TMO - Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 (từ 29/4/2023 đến 03/05/2023), tổng thu từ hoạt động du lịch trên cả nước ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ).
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, các địa phương trên cả nước ước tính đã đón được hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%. Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5, các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không đã chủ động giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý của du khách. Với những chính sách ưu đãi, giảm giá cùng nhiều sản phẩm mới mà các đơn vị lữ hành tung ra trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, lượng du khách đặt tour, vé máy bay có sự gia tăng, cơ bản đạt được mục tiêu kinh doanh đặt ra.
Người dân và du khách vui chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM). Ảnh: L. Quân
Đặc biệt sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn cao, như: Saigontourist đã đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp và các nước Châu Á để tham gia tour du thuyền xuyên Vịnh; Vietravel đã phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế, chiếm 50% số lượng khách phục vụ trong kỳ nghỉ Lễ, sản phẩm chủ đạo được lựa chọn là tour biển, tour du thuyền dài ngày...
Lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)… Tuy nhiên, một số đường bay du lịch trong kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 vẫn vắng khách, mặc dù giá vé tại một số chặng bay đã giảm nhẹ khoảng 10-15% so với trước đó. Cụ thể: Đường bay xuất phát từ Hà Nội vào ngày 28/4 đi các điểm du lịch như Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, tỷ lệ đặt chỗ chỉ dao động từ 65% đến 77%.Trong khi đó, các đường bay đi các điểm như Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%; các đường bay đi Huế, Pleiku, Cần Thơ có tỷ lệ đặt chỗ trên 80%.
Số liệu thống kê du lịch nội địa liệu đã chính xác (?)
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4, các tỉnh thành trên cả nước và Tổng cục Du lịch đã đưa ra các thống kê về lượng khách 5 ngày nghỉ lễ. So với nhiều dự đoán về việc "khách bỏ đi trong nước để đi nước ngoài", các con số chỉ ra rất nhiều điểm đến nội địa đạt lượng khách "khủng" hay "cao nhất lịch sử". Đơn cử, theo số liệu thống kê, TP HCM đón 950.000 lượt khách, tăng 126% so với cùng kỳ, Thanh Hóa đạt kỷ lục với 1,2 triệu lượt khách (tăng 33%). 2.400 tỷ đồng với 720.000 lượt khách là con số của Hà Nội, còn Sa Pa (Lào Cai) đón lượng khách đông nhất từ trước đến nay (185.000 lượt). Kiên Giang là tỉnh hiếm hoi có các con số sụt giảm, đạt gần 265.000 lượt khách, giảm 9,4%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, khẳng định các con số này "chưa phản ánh chính xác bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch, mới chỉ một phần và chưa thực sự hiệu quả". Những thống kê này sử dụng đơn vị "lượt" khách thay vì "khách". Một người đi chơi 4 địa điểm trong cùng một thành phố và con số thống kê sẽ "4 lượt khách". Theo ông Thắng, khi xác định khách du lịch, cần nhấn mạnh đây là những người "rời khỏi nơi cư trú, đến lưu trú ở một nơi khác". Trong khi đó, khách tham quan sẽ không ở lại qua đêm, doanh thu từ nhóm này chủ yếu đến từ bán vé tham quan và ăn uống. Do đó, "lượt khách cao kỷ lục" sẽ chỉ nói lên hoạt động sôi nổi tại điểm đến trong thời gian nghỉ lễ. Để xét sâu hơn, cần có thống kê cụ thể về số khách ở qua đêm. Bởi nếu khách tham quan cao nhưng khách lưu trú ít, các cơ sở lưu trú chính là đơn vị bị ảnh hưởng. "Trong hoạt động du lịch, số tiền đầu tư vào hạ tầng lưu trú rất lớn. Nếu chỉ nhìn lượt khách cao nhưng không quan tâm khách lưu trú ít sẽ là một vấn đề lớn", ông Thắng nói.
Tú Quyên
Bình luận