Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 17:11
Thứ tư, 17/07/2024 14:07
TMO – Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) dự kiến sẽ dành khoảng 5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để hợp tác với Việt Nam. Trong đó tập trung vào các dự án lớn, thủ tục nhanh gọn và phải mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng phát triển xanh, tuần hoàn... Đối với hạ tầng giao thông, Việt Nam đang có nhu cầu lớn ở cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa), nhưng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, qua đó tạo thêm không gian phát triển mới, giá trị mới, góp phần giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và phát triển bền vững.
Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ dành 5 tỷ USD lãi suất ưu đãi để hợp tác với Việt Nam.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị AIIB tư vấn, tài trợ, hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho Việt Nam trong các dự án hạ tầng quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; 3 tuyến đường sắt phía bắc kết nối với Trung Quốc và qua Trung Quốc kết nối với châu Âu, Trung Á; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM.
Chủ tịch AIIB chúc mừng những thành tựu phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam thời gian qua, trong khi kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời cho biết sẽ dành khoảng 5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để hợp tác với Việt Nam và nhất trí cao với những định hướng hợp tác mà Thủ tướng đã nhấn mạnh, trong đó tập trung vào các dự án lớn, thủ tục nhanh gọn và phải mang lại hiệu quả cao.
Trước đó, chia sẻ trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Đại Liên, Trung Quốc vào chiều ngày 25/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Để triển khai, ông cho hay, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Đây là ba cấu phần giữ vai trò quyết định an toàn của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đô thị.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có 3.000 km đường cao tốc và tăng lên 5.000 km vào 2030. Hạ tầng đường sắt, nhất là dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc - Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam. Dự án đang được chuẩn bị để triển khai. Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đang chỉ đạo triển khai 3 dự án đường sắt kết nối hai nước, dự kiến giữa năm 2025 hai bên sẽ làm dự án đầu tiên là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời gợi mở hướng hợp tác các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối cảng biển tới các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay và cửa khẩu. Đây là các dự án có hiệu quả kinh tế cao, nên ngoài dự án do Nhà nước cấp vốn, Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp như CRSC tham gia đầu tư qua hình thức đối tác công tư (PPP).
ĐOÀN VINH
Bình luận