Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 18:04
Chủ nhật, 30/03/2025 08:03
TMO - Giai đoạn 2026-2030, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay, nhiều cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để kiểm kê khí nhà kính làm căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính đến năm 2030 sẽ triển khai theo 3 giai đoạn: 2025 - 2026, 2027 - 2028, 2029 - 2030. Trong giai đoạn đầu phân bổ cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có 150 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 40% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất danh mục cơ sở và lượng hạn ngạch được phân bổ hằng năm cho từng cơ sở gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở. Trong dự thảo mới nhất cũng bổ sung phương pháp, công thức xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở theo đề nghị của các bộ quản lý lĩnh vực.
(Ảnh minh họa)
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP hiện hành, giai đoạn 2026-2030, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay, nhiều cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để kiểm kê khí nhà kính làm căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Dự thảo Nghị định mới đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong giai đoạn đầu, Chính phủ chỉ phân bổ hạn ngạch cho những doanh nghiệp lĩnh vực phát thải lớn.
3 lĩnh vực được đề xuất cũng thuộc nhóm mặt hàng bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để kiểm soát phát thải khí nhà kính khi nhập khẩu vào EU, gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón. Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng cơ chế CBAM đối với 8 loại mặt hàng liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việc phân bổ hạn ngạch phát thải trong nước sẽ đồng thời giúp các cơ sở giảm chi phí thuế carbon với các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường này.
Cũng theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở phải nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính 2 năm một lần. Kết quả kiểm kê khí nhà kính là cơ sở để vận hành thị trường carbon trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Vì vậy, thời điểm phân bổ hạn ngạch cần theo lộ trình phù hợp với thời điểm các cơ sở nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là căn cứ xác định hạn ngạch để phân bổ cho các cơ sở dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm. Hiện, các Bộ quản lý lĩnh vực đang được giao xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; ban hành quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong phạm vi lĩnh vực quản lý. Do đó, các Bộ quản lý lĩnh vực cũng có trách nhiệm đề xuất hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở thuộc phạm vi quản lý…/.
PHẠM DUNG
Bình luận