Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 14:02
Thứ tư, 12/02/2025 19:02
TMO - Tại nhiều đền, chùa lớn, tục đốt vàng mã vẫn được thực hiện phổ biến vào dịp ngày rằm, lễ, Tết. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến môi trường và biến tướng trong cách thực hiện đang đặt nhiều câu hỏi về tục lệ này.
Khu vực đốt vàng mã tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Ghi nhận của Phóng viên trong dịp lễ hội đầu xuân Ất Tỵ 2025 tại các điểm chùa, đền như chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định)..., cảnh đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh khuôn viên các cơ sở tín ngưỡng, nhiều gia đình còn lập lò hóa vàng ngay tại nhà, với quan niệm “gửi gắm” của cải cho người đã khuất.
Theo tín ngưỡng dân gian, vàng mã tượng trưng cho tiền bạc, của cải dành cho người đã khuất. Ban đầu, phong tục này đơn giản, mang ý nghĩa hiếu kính và tưởng nhớ tổ tiên. Tuy nhiên, theo thời gian, việc đốt vàng mã đã có nhiều biến tướng đáng lo ngại.
Vàng mã được làm rất công phu với nhiều mẫu mã đa dạng, từ nhà lầu, xe hơi đến vàng bạc, trang sức,… phục vụ cúng bái.
Không còn là những tờ tiền giấy âm phủ đơn giản, vàng mã ngày nay được “nâng cấp” thành nhà lầu, xe hơi, điện thoại, thẻ ATM, thậm chí vé máy bay hạng thương gia,... Thị trường vàng mã ngày càng sôi động, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng đa dạng. Nhiều gia đình sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mua vàng mã, nhưng chỉ sau ít phút, tất cả hóa thành tro bụi.
Từ sáng sớm, bà Hạnh đã đến chợ mua vàng mã để chuẩn bị cho lễ cúng rằm tháng Giêng.
Bà Trần Thị Hạnh (52 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng mua vàng mã cho người thân đã khuất, mỗi dịp lễ, Tết chi khoảng 5-10 triệu đồng. Quan niệm của tôi là có sao gửi vậy, trên dương thế có gì thì cũng nên lo cho người âm cái đó”.
Không riêng bà Hạnh, nhiều người vẫn giữ quan niệm “trần sao âm vậy”, tin rằng người cõi âm cũng cần có cuộc sống đủ đầy như dương thế. Đó cũng là lý do các mặt hàng vàng mã ngày càng phong phú đa dạng đến vậy.
Vàng mã bị đốt bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ảnh hưởng chất lượng không khí.
Việc lạm dụng đốt vàng mã “quá đà” không chỉ tạo ra lãng phí mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ và làm gia tăng ô nhiễm không khí. Mặc dù một số đền, chùa đã có khu vực riêng để đốt vàng mã, nhưng tình trạng đốt bừa bãi vẫn tiếp diễn. Nhiều vụ cháy liên quan đến đốt vàng mã đã xảy ra khiến không ít người phải suy nghĩ liệu tập tục này còn phù hợp trong xã hội hiện đại?
Anh Nguyễn K.T (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Mình vẫn cúng rằm, lễ, Tết nhưng không mua vàng mã. Quan trọng là lòng thành, không nhất thiết phải đốt nhiều thì mới hiếu nghĩa với tổ tiên”. Cùng suy nghĩ đó, không ít gia đình ngày nay đang dần thay đổi thói quen, thay vì đốt vàng mã tràn lan, họ chọn cách dâng hương, hoa quả hoặc làm việc thiện để tích đức. Nhiều ý kiến cho rằng, cúng lễ không cần ‘mâm cao cỗ đầy’, đốt nhiều vàng mã, mà chỉ cần thành tâm, hành thiện mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng.
Đất nước không ngừng đổi mới, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều tập tục rất cần thiết phải bảo tồn, phát huy giá trị, tuy nhiên một số tập tục cũng cần loại bỏ hoặc hạn chế để phù hợp với nếp sống văn minh thời hiện đại.
THU HIỀN – HƯƠNG LAM
Bình luận