Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 16/12/2023 07:12
TMO - Phân loại rác tại nguồn không chỉ giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí xử lý mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, cộng đồng trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh, khối lượng phát sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 925 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 49,2% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh. Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 814 tấn được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý. Còn khoảng 111 tấn chất thải rắn sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom, được các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý theo hướng dẫn như làm phân bón, thức ăn gia súc, bán phế liệu…
Từ năm 2019 tỉnh đã bắt đầu thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trên địa bàn 4 phường ở TP.Biên Hòa. Chương trình dần được mở rộng thêm nhiều phường, xã tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá cuối năm 2019 cho thấy, hoạt động PLRTN vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trước thực trạng này, năm 2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện PLRTN và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại. Ngay sau đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện chỉ thị trên trên phạm vi toàn tỉnh.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PLRTN. Ảnh: HL.
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đề án đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 triển khai phân loại rác đến 100% hộ gia đình; 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt và 100% đơn vị vận chuyển phải đáp ứng đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác; 100% trạm trung chuyển chất thải được đầu tư xây dựng, cải tạo phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường. Giai đoạn từ năm 2025-2030, duy trì kết quả thực hiện PLRTN của các tổ chức, cá nhân, gia đình theo quy định.
Đến nay, tại 97 xã của 10 huyện, thành phố đã bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.555 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 120/120 xã đều có đơn vị thu gom là các hợp tác xã, tổ thu gom, các cá nhân thực hiện việc thu gom chất thải rác sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình đến các trạm trung chuyển/khu xử lý. Kết quả triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 43% số hộ dân toàn tỉnh. Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý sau phân loại tại nguồn khoảng 404 tấn/ngày, đạt 21,5% so với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, mô hình xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… giúp giảm chi phí đầu vào, cây trồng phát triển khỏe, chất lượng nông sản an toàn. Mô hình này đang được nhân rộng tại các địa phương góp phần nâng cao chất lượng nông sản địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình tận dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn và tận dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường từ trong sinh hoạt đến sản xuất như: khuyến khích tiêu dùng thông minh, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần, sử dụng nước tẩy rửa hữu cơ tự sản xuất...
Mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện lựa chọn một ấp, khu phố hoặc khu dân cư làm điểm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đảm bảo hơn 70% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và phân loại tại nguồn. Các địa bàn không thực hiện làm điểm cũng đảm bảo thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt từ 50% trở lên. Các ấp và các khu dân cư đều có từ 1-2 tổ tự quản về môi trường, hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường được tổ chức thường xuyên vào những dịp lễ và thứ bảy hằng tuần.
Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, từ năm 2010 đến nay, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như "Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phong trào "Chống rác thải nhựa"... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 414.000 hộ đạt gia đình "5 không, 3 sạch", đạt tỉ lệ 87% trên tổng số hộ dân.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Địa phương bố trí kinh phí đầu tư các điểm tập kết, trạm trung chuyển phù hợp nhu cầu của người dân và thuận tiện xe lấy rác. Các chủ đầu tư khu xử lý chất thải phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác, đơn vị dịch vụ chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sau phân loại. Các địa phương phải đề ra lộ trình, thực hiện và chịu trách nhiệm về hạ tầng điểm tiếp rác, trạm trung chuyển; tỷ lệ rác thu gom, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện PLRTN.
Lê Hồng
Bình luận