Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 10:09
Thứ tư, 20/09/2023 07:09
TMO - Đồng Nai được xem là “thủ phủ" chăn nuôi của cả nước, cùng với đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, ngành chăn nuôi cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm hiệu quả.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ...
Cùng với đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, ngành chăn nuôi cũng gây ra một số tác động, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi phải có biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, thì cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã quyết liệt xử lý hàng loạt cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong 2 năm 2021 và 2022, các ngành chức năng đã kiểm tra đã phát hiện 129 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Qua đó, ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra xác định đa số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thường không đăng ký giấy phép; chưa có giải pháp xử lý nước, phân thải hiệu quả, chỉ thực hiện lắng lọc sơ kết hợp nuôi cá. Điều đó dẫn đến tình trạng nước thải, phân thải gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ở các sông, suối, ao, hồ. Nhiều con suối từng hứng chịu phân thải, nước dọn rửa chuồng heo gà gây ô nhiễm như suối Reo, suối Nước Trong, sông Buông, suối Săn Máu... gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BN.
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra, từ ngày 15/4 đến 15/7, các ngành chức năng sẽ tiến hành đợt tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với gần 10.000 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.
Theo đó, Sở TN&MT tỉnh cho biết qua rà soát hồ sơ, kiểm tra thực tế của các địa phương trong 4 tháng tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi chấp hành các quy định về môi trường trên địa bàn theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có 328 cơ sở chăn nuôi tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán, Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành và thành phố Long Khánh có hợp đồng nuôi gia công cho Công ty cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn CJ Vina Argi - Chi nhánh Đồng Nai và Công ty trách nhiệm hữu hạn Sunjin Vina nhưng chưa được cấp thủ tục về môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty nêu trên chưa được cấp thủ tục về môi trường. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp việc kiểm tra của các địa phương để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả.
Trước đó, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Thời gian di dời theo từng giai đoạn là trước 31/12/2024 và đến 1/1/2025 là phải ngừng chăn nuôi tại các khu vực này.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, quá trình triển khai thực hiện quyết định gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như các cơ sở chăn nuôi đa phần đều thiếu nguồn vốn để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi tại địa điểm mới, các lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều đã lớn tuổi, chủ yếu nguồn thu nhập từ chăn nuôi là chính, do đó việc ngưng chăn nuôi để chuyển đổi sang nghề khác còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chưa có định hướng nghề nghiệp mới.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường thì buộc di dời là đúng. Tuy nhiên, Trong hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi vừa có cả hộ chăn nuôi gia đình lẫn các công ty chăn nuôi lớn, chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay Ðồng Nai không còn quỹ đất quy hoạch cho chăn nuôi, nhiều cơ sở chăn nuôi vừa mới được đầu tư bài bản, tốn hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng khi di dời gây thiệt hại rất lớn cho họ. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ về chi phí đầu tư hạ tầng cho các cơ sở chăn nuôi di dời, chi phí di dời để tránh dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực…
Ngành chức năng tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.
Những năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; chỉ cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; nâng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn; chăn nuôi công nghệ cao (an toàn sinh học, VietGAP, khép kín và chuồng lạnh).
Cùng với công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, triển khai di dời để bảo vệ môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi, thời gian qua địa phương này chú trọng đến vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi. Theo đó, các trang trại có quy mô lớn, chất thải được thu gom và xử lý bằng các hình thức như: Ủ phân, ủ compost, sơ chế phân, sử dụng máy ép phân. Nước thải được xử lý bằng phương pháp lý - sinh - hóa kết hợp… các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thu gom, xử lý chất thải theo Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26-10-2021 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; xử lý nước thải chăn nuôi để sử dụng cho cây trồng theo Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng; tổ chức sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn (VietGAP, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học...)...
Hồng Hạnh
Bình luận