Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ sáu, 15/03/2024 07:03
TMO - Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả khu xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện, chấm dứt hoàn toàn việc chân lấp chất thải rắn trực tiếp; giảm tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải còn 70%.
Là tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước, dân số khoảng 3,2 triệu người nên Đồng Nai phải xử lý lượng rác thải từ sản xuất, sinh hoạt rất lớn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại. Trong đó, chất thải sinh hoạt hơn 1.800 tấn, tăng gần gấp đôi so năm 2010. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 khu xử lý chất thải tập trung, thu hút hàng chục công ty. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt công nghệ hiện đại để tái chế rác thải.
Để nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và tham gia giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH... theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn việc chân lấp chất thải rắn trực tiếp.
Đề án được triển khai nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong công tác quản lý CTRSH; triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH đồng bộ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả; áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới và tiên tiến như đốt rác kết hợp thu hồi năng lượng phát điện, phù hợp trong hoạt động xử lý CTRSH, đáp ứng với thành phần, khối lượng chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiến tới không chôn lấp chất thải chưa qua xử lý.
Cụ thể, từ năm 2023 đến 2025; Đồng Nai triển khai đến 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai; mở rộng mạng lưới thu gom, đảm bảo thu gom toàn bộ lượng CTRSH phát sinh toàn tỉnh; 80% tổ chức, cá nhân thu gom CTRSH và 100% đơn vị vận chuyển CTRSH phải đáp ứng đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại CTRSH từ các hộ dân đến địa điểm xử lý theo quy định; 100% trạm trung chuyển đang hoạt động tại các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa được đầu tư xây dựng, cải tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật và đưa dự án xử lý CTRSH phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (công suất giai đoạn 1 là 800 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 1.200 tấn/ngày) đi vào vận hành sau 3 năm triển khai xây dựng (dự kiến trong năm 2026), phục vụ xử lý CTRSH của TP. Biên Hòa. Đồng thời, cập nhật, đưa các nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch điện rác vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050, trong đó, tập trung xử lý CTRSH tại 04 Khu xử lý như Quang Trung, Vĩnh Tân, Túc Trưng và Bàu Cạn...
Từ năm 2025 đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ duy trì kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai. Đối với dự án xử lý CTRSH phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (công suất giai đoạn 1 là 800 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 1.200 tấn/ngày) cũng sẽ đi vào vận hành chính thức, phục vụ xử lý CTRSH của TP. Biên Hòa.
Bên cạnh đó, tất cả các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp, đáp ứng với thành phần, khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh, vận hành hiệu quả các dự án xử lý chất thải hiện hữu, đồng thời, đầu tư bổ sung các công nghệ xử lý chất thải khác để thu hồi, tái chế và tiêu hủy giảm tối đa lượng chất thải phải tiếp nhận để tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất... Đến năm 2030, chấm dứt hoàn toàn chôn lấp trực tiếp CTRSH.
UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện mục tiêu của Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Định hướng đến sau năm 2030, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ duy trì bền vững các kết quả đạt được trong công tác quản lý thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh của giai đoạn 2025 - 2030; đảm bảo hiệu quả quản lý năm sau cao hơn năm trước và hoàn thành các chỉ tiêu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đề ra theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai. Riêng các Khu xử lý đã hoàn thành việc đóng bãi chôn lấp rác trơ theo quy định giám sát môi trường định kỳ, sẽ bàn giao địa phương lập phương án quản lý, sử dụng theo quy hoạch sử dụng đất; ưu tiên đầu xây dựng khu công viên cây xanh phục vụ người dân.
UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Sở TN&MT Đồng Nai tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với UBND các huyện, Sở Tài chính và các Sở ngành có liên quan xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; trình UBND tỉnh Đồng Nai quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, kể cả chi phí bao bì đựng CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan tham mưu ban hành Quy định về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện các quy định về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; tham mưu các chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm chuyên dụng trong giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý CTRSH vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường của tỉnh và của quốc gia.
Sở TN&MT chủ trì lập, thẩm định, trình UBND tỉnh Đồng Nai quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất để phát triển khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách ưu đãi về đất đai cho hoạt động quản lý chất thải rắn; hướng dẫn công tác giải tỏa đền bù xây dựng khu xử lý chất thải rắn, cơ sở quản lý chất thải rắn; thẩm định, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai.
Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý chất thải, bao gồm cả thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương cùng với việc nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ... về giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng CTRSH, giảm thiểu chất thải nhựa và thải bỏ CTRSH đúng nơi quy định... Tháng 12 hàng năm, Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai kết quả triển khai thực hiện Đề án trên.
Việc xây dựng và ban hành Đề án nhằm đưa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp, hạn chế tối đa và tiến tới không chôn lấp chất thải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Hầu hết các khu công nghiệp đều có khu xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hợp đồng thu gom rác, xử lý chất thải theo đúng quy định. Ở khu vực nông thôn, người dân đã chủ động thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y; môi trường trong chăn nuôi ngày một tốt hơn.
Riêng với rác thải sinh hoạt, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý đã được chú trọng, tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt của tỉnh đạt dưới 15%; các địa phương trong tỉnh không còn bãi rác tự phát…Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp, quá trình thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả các của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thu gom và xử lý, chủ nguồn thải.
Thùy Vân
Bình luận