Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 02:11
Thứ năm, 29/12/2022 16:12
TMO - Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 89 xã nông thôn mới nâng cao, 19 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có thêm 22 xã nông thôn mới nâng cao và 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết giao là có 15 xã nông thôn mới nâng cao; 2-3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 89 xã nông thôn mới nâng cao, 19 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, sát với điều kiện thực tế của địa phương, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ vậy, về cơ bản, bộ mặt khu vực nông thôn ở Đồng Nai đã dần đổi thay, rút ngắn khoảng cách kinh tế, hạ tầng giữa khu vực đô thị và nông thôn. Tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu năm 2022, tiếp tục hoàn thiện xây dựng nông thôn mới và đi lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 đạt hơn 143,8 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Được biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai dự kiến bố trí hơn 27 nghìn tỷ đồng từ ngân sách và huy động khoảng 117 nghìn tỷ đồng vốn từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chủ yếu là vốn đầu tư, đóng góp của doanh nghiệp, nông dân.
Mục tiêu đề ra giai đoạn mới của tỉnh Đồng Nai là tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng theo hướng hiện đại, đa mục tiêu, kết nối rộng giữa các vùng. Tập trung công tác chỉnh trang nông thôn, xây dựng nhiều hơn nữa các khu dân cư, các tuyến đường, khu vực công cộng đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.
Các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh chú trọng nâng cao trình độ khoa học công nghệ của người nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, mới vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra các chuỗi liên kết, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo kịp trào lưu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Từ đó, góp phần tạo cho nông nghiệp, nông thôn có thêm động lực, đáp ứng yêu cầu mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hồng Nhung
Bình luận