Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 23:01
Chủ nhật, 20/10/2024 07:10
TMO – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây nhiều thiệt hại về kinh tế, tác động mạnh đến đời sống, sinh hoạt người dân, việc đồng bộ cơ chế, chính sách được xem là giải pháp ứng phó hiệu quả và bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố với dân số khoảng trên 20 triệu người, đóng góp khoảng 20% GDP cả nước. Hơn nửa sản lượng gạo toàn quốc được sản xuất tại vùng này, trong đó bao gồm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, giúp cho việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Khu vực này cũng chiếm phần lớn sản lượng thủy sản và hoa quả trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khu vực này hiện đang chịu ảnh hưởng thường xuyên bởi tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở và đất đai bị ô nhiễm. Đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất so với các vùng, khu vực trên cả nước, đặc biệt là xâm nhập mặn với 1,8 triệu ha diện tích đất bị nhiễm mặn. Theo một nghiên cứu, nhiều nguy cơ khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt do biến đổi khí hậu.
Sạt lở là một trong những vấn đề rất đáng lo ngại tại khu vực ĐBSCL.
Cụ thể, thứ nhất, nhận định đến khoảng năm 2100, mực nước biển có thể dâng lên hàng chục cm, lúc đó nhiều diện tích của ĐBSCL có thể bị ngập lụt thường xuyên. Thứ hai, đến năm 2030, khả năng nước biển dâng có thể làm nhiều diện tích đất của khu vực này bị nhiễm mặn và ngập lụt. Thứ ba, lưu lượng nước vào mùa khô của ĐBSCL được dự đoán sẽ giảm đi từ 2 - 4% vào năm 2070, đây là một yếu tố khác góp phần làm gia tăng nhiễm mặn và thiếu nước. Thứ tư, suy giảm năng suất mùa vụ có thể làm ảnh hưởng tới vụ lúa xuân dự đoán sẽ giảm 8% vào năm 2070. Thứ năm, tình hình sạt lở bờ sông, rạch đang có chiều hướng gia tăng làm giảm diện tích đất canh tác, sản xuất.
Ứng phó thế nào?
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể như: Tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hoá giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản.
Công trình chống mặn - một trong những giải pháp căn cơ ứng phó xâm nhập mặn.
Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thuỷ nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", khai thác lợi thế để phát triển bền vững; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; kiểm soát khai thác nước ngầm và tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hoà nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.
Cùng với đó là xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ biển, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng; phát triển rừng ngập mặn và các đa dạng sinh học ven biển gắn với bảo đảm đa dạng sinh học và sinh kế bền vững; hoàn thiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp công trình kết hợp sơ tán dân phòng chống lũ, bão.
Bộ TN&MT cũng có các văn bản gửi các Bộ và địa phương đề nghị triển khai, đôn đốc thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; đồng thời chỉ đạo sát sao công tác dự báo, cảnh báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Việc dự báo, cảnh báo sớm giúp các địa phương chủ động có phương án ứng phó từ sớm, do đó, đã giảm thiểu các tác động tiêu cực do hạn hán, thiếu nước gây ra, điển hình như giai đoạn hạn hán năm 2019-2020, năm 2023-2024.
Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có quy định cụ thể về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông đối với các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, hồ, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hành lang bảo vệ nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước, xây dựng kịch bản nguồn nước; lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Việc đồng bộ chính sách nêu trên được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm ứng phó hiệu quả, bền vững với biến đổi khí hậu, thiên tai. Tuy nhiên, để các chính sách phát huy hiệu quả, các địa phương cần vận dụng linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện.
HẢI YẾN
Bình luận