Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 16:11
Thứ bảy, 05/08/2023 12:08
TMO - Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các Sở, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng xử lý các nguồn thải, hướng đến chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh.
Số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 3 năm 2023, toàn tỉnh có 103.700 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổng số đàn trâu là 13.221 con, đàn bò 89.424 con, đàn lợn 591.903 con, đàn gà 11.145.845 con và một số loại gia súc, gia cầm khác. Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi đều chăn nuôi ngay tại hộ gia đình, trong khu dân cư. Qua tính toán sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi ngày, đàn gia súc, gia cầm thải ra khoảng 6.121 tấn phân tươi, 400.000 lít nước tiểu, trong khi đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi qua hầm biogas và các biện pháp xử lý khác của các hộ hiện nay chưa thể thể đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mặc dù hoạt động chăn nuôi tại các hộ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, nhưng hoạt động chăn nuôi cũng tạo ra một trong những nguồn thu nhập chính cho các nông hộ. Chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành đã tạo mọi điều kiện, xây dựng một số cơ chế hỗ trợ để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nêu trên như hỗ trợ xây dựng hầm biogas, máy vắt phân, đệm lót sinh học… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra, ảnh hưởng xấu môi trường, đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi nằm trong các khu dân cư, nâng cao chất lượng môi trường sống và sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp.
Chăn nuôi gà tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng đệm lót sinh học xử lý môi trường chăn nuôi.
Từ tháng 9/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc tiến hành hỗ trợ các hộ chăn nuôi 50% chi phí mua chế phẩm để làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi gà.
Mức hỗ trợ tương ứng 1.000 đồng/con, nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ (giành cho các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con/lứa trở lên). Hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn cho các hộ có quy mô từ 10 con trở lên. Ngoài ra, còn hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò cho các hộ có quy mô từ 5 con trở lên, 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa cho các hộ có quy mô từ 3 con trở lên.
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các trạm Khuyến nông huyện, phòng Kinh tế thành phố, UBND các xã tổ chức 39 hội nghị triển khai chương trình và tiến hành hỗ trợ 267 tấn chế phẩm và 2.520 tấn đệm lót sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi cho 21,5 triệu con gà, 350.000 con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt. Kết quả đánh giá cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi không chỉ làm giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, bảo đảm an toàn dịch bệnh mà còn mang lại giá trị kinh tế. So với không sử dụng chế phẩm sinh học, hiệu quả kinh tế đối với chăn nuôi gà tăng hơn 13%; chăn nuôi lợn tăng 9% và chăn nuôi bò tăng 14,26%.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư theo quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Sở TN&MT đôn đốc hướng dẫn UBND cấp huyện; UBND cấp xã hoàn thiện thủ tục về đất đai tại một số địa điểm được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, đưa cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khỏi khu dân cư. Tập trung hướng dẫn, giải quyết các khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, hướng dẫn, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định và quy trình xử lý chất thải chăn nuôi tại khu chăn nuôi tập trung được lựa chọn.
Sở Xây dựng thẩm định quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, thỏa thuận quy hoạch xây dựng do UBND cấp huyện phê duyệt; đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh, bổ sung quỹ đất đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung đảm bảo quy định, phục vụ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư. Tập trung hướng dẫn, giải quyết các khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023.
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND cấp xã trong việc tổ chức triển khai, thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54, Luật Chăn nuôi năm 2018 đồng bộ, đạt hiệu quả; tổ chức rà soát, thống kê, phân loại rõ quy mô chăn nuôi nông hộ và quy mô chăn nuôi trang trại (lớn, vừa và nhỏ) để xác định thực trạng chăn nuôi trong khu dân cư trên địa bàn. Việc thống kê, phân loại phải xác định rõ các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đang hoạt động có phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trong khu dân cư thực hiện đúng các yêu cầu theo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định; tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ chăn nuôi quy mô trang trại ở trong khu dân cư di dời ra khỏi khu dân cư theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” để cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế ổn định bền vững.
Trường hợp các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đang hoạt động không phù hợp quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhưng không chủ động thực hiện di dời; không thực hiện quy định bảo vệ môi trường theo quy định, phải kiên quyết cưỡng chế thực hiện di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi để cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế ổn định lâu dài.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật về chăn nuôi, pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại quy định tại Điều 59, Điều 60, Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh để người dân biết, thực hiện đạt hiệu quả.
Yêu cầu UBND huyện Vĩnh Tường tập trung chỉ đạo UBND xã Vĩnh Thịnh và UBND xã Vĩnh Ninh khẩn trương rà soát, đề xuất phương án quy hoạch một số địa điểm để tạo quỹ đất xây dựng các khu chăn nuôi tập trung; xây dựng Đề án (trong đó cần xác định vị trí xây dựng khu chăn nuôi tập trung, quy mô, lộ trình, cơ chế hỗ trợ cho các hộ,…) hoặc Dự án để di dời đưa các hộ chăn nuôi quy mô trang trại (hộ có quy mô chăn nuôi từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên) ra khỏi khu dân cư, đảm bảo hoàn thành xong việc di dời các hộ chăn nuôi có quy mô trong năm 2023.
Hà Thu
Bình luận