Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 19:11
Thứ ba, 28/11/2023 13:11
TMO – 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đặt mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: THIÊN LÝ
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Theo số liệu thống kê năm 2022, diện tích đất trồng lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,4 - 1,5 triệu ha. Trong đó, các vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Tây Nam sông Hậu... Trong năm 2022, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu 7,1 triệu tấn lúa; chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu lúa gạo chính gồm Philippines (45,2%), Trung Quốc (12%), Bờ Biển Ngà (Côte d'Ivoire) (8,2%) và thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ…
Theo giới chuyên gia, sản xuất lúa nói chung và ngành hàng lúa gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có những lợi thế rất lớn về điều kiện sinh thái và thủy lợi. Nếu so với các nước trồng lúa và xuất khẩu gạo, Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều so với các nước. Hơn nữa, nông dân Việt Nam trồng lúa giỏi. Dịch vụ chế biến lúa gạo hiện nay khá tốt so với các ngành hàng chủ lực khác, đặc biệt, khâu cơ giới hóa trong ngành lúa gạo khá hoàn chỉnh, một nông dân có thể thuê nhân lực rất ít vẫn có thu nhập ổn định.
THIÊN LÝ
Bình luận