Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 27/10/2022 07:10
TMO - Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về việc đề phòng ảnh hưởng của kỳ triều cường cuối tháng 10/2022 đến sản xuất nông nghiệp.
Theo dự báo, đợt triều cường từ ngày 26-31/10/2022 ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và các năm triều cao đã xuất hiện (2011, 2018, 2019, 2020). Cụ thể, đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề dự báo đạt 2,25 m - 2,35 m (xấp xỉ và cao hơn kỳ đầu tháng 10/2022), tại Cần Thơ đạt 2,1 - 2,2 m, tại Mỹ Thuận đạt 2,05 - 2,15 m (thấp hơn kỳ triều cường đầu tháng 10, do lũ đầu nguồn đang rút), tại Xẻo Rô đạt 1,04 m (cao hơn mức báo động 3 từ 1 - 5 cm và cao hơn khá nhiều so với kỳ triều cường đầu tháng).
Triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các vùng trũng, thấp có đê bao, bờ bao thấp, yếu ở ven sông Tiền, sông Hậu và ven biển Tây tại các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Nhằm chủ động giảm thiểu thiệt hại do triều cường gây ra, đặc biệt các diện tích cây trồng lâu năm, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long rà soát hệ thống đê bao, bờ bao ở các khu vực dự báo ảnh hưởng nặng vùng ven sông; khẩn trương tổ chức gia cố các đoạn đê bao, bờ bao có nguy cơ xảy ra sự cố hoặc đã có biểu hiện mất an toàn trong các đợt triều cường trước.
Các địa phương tại ĐBSCL chủ động phương án đảm bảo an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp trước dự báo đợt triều cường dâng cao kết hợp với lũ nội đồng. Ảnh: Sơn Vinh
Các địa phương có phương án ứng phó ngập lụt, úng trường hợp xuất hiện mưa lớn trong kỳ triều cường, đặc biệt các tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của triều biển Tây (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang) do đây là đợt triều cường khá cao từ phía biển Tây.
Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo dòng chảy, thủy triều do các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cập nhật và gửi định kỳ cho các địa phương.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định cụ thể các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy sự cố trong mùa lũ; khoanh vùng cây trồng trọng điểm cần tăng cường bảo vệ (cây ăn trái, cây có giá trị kinh tế cao,…). Đồng thời, khẩn trương có phương án phòng, chống ngập lụt, úng; tổ chức gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp yếu, đặc biệt các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường. Tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước, lũ nội đồng; các vùng sản xuất không có đê bao, bờ bao bảo vệ hoặc đê bao, bờ bao không đảm bảo an toàn phải thu hoạch trước thời gian ảnh hưởng của lũ.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo những địa phương cấp huyện, thị xã ở ĐBSCL có nguy cơ cao bị ngập trong đợt triều cường cuối tháng 10 như sau: Vùng giữa ĐBSCL bao gồm vùng nội đô TP Cần Thơ; khu vực Thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình, Bình Tân, Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Phụng Hiệp, TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy thuộc tỉnh Hậu Giang; huyện Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang.
Vùng ven biển ĐBSCL: TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, thị xã Giá Rai, thị trấn Gành Hào thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Cầu Kè, huyện Tiểu Cần, Thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; TP Sóc Trăng, Thị xã Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng; huyện Năm Căn, Trần Văn Thời, TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau; huyện An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng thuộc tỉnh Kiên Giang.
Hạn chế thiệt hại đối với diện tích cây ăn trái tại các địa phương là nhiệm vụ cần được đặc biệt chú trọng triển khai
Đài Khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ dự báo, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục lên cao trong những ngày tới, khả năng đạt đỉnh trong các ngày 26, 27 và 28-10. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên từ 2,22 - 2,27m (cao hơn mức báo động 3 từ 0,22 - 0,27m), thời gian xuất hiện hàng ngày từ 4 - 6 giờ sáng và chiều tối từ 16 - 18 giờ.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2009 đỉnh triều ở mức 1,86m, còn hiện nay đang ở mức 2,35m. Bình quân triều cường năm sau dâng cao hơn năm trước khoảng 3,5 - 4cm, do vậy các địa phương không được chủ quan mà phải chủ động ứng phó kịp thời. Tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo đối phó với triều cường lịch sử, khi dự báo đỉnh triều sẽ đạt mức 2,26 - 2,49m vào các ngày cuối tháng 10/2022, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề đạt mức 2,49m, ở Đại Ngãi mức 2,26m vào các ngày từ 27 đến 31/10.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, hiện mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh đang lên nhanh theo kỳ triều cuối tháng 9 đầu tháng 10 Âm lịch. Dự báo, mực nước sẽ tiếp tục lên nhanh theo triều và đạt đỉnh trong các ngày 27-28/10 (nhằm ngày mùng 3, mùng 4 tháng 10 âm lịch).
Mực nước trên các sông rạch trong tỉnh cũng lên cao tương ứng như tại trạm Ba Càng 2,05-2,1m, trạm Phú Đức 2,15-2,2m... Đỉnh triều sẽ xuất hiện trong khung giờ sáng từ 4 -7 giờ, chiều từ 16-19 giờ. Các khu vực trũng thấp, ngoài đê bao và các tuyến nội ô thành phố Vĩnh Long có thể ngập sâu tư 0,3 đến 0,4m, gây ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông thủy, các công trình hạ tầng và đời sống người dân. Cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt là cấp độ 2.
Nguyễn Hạnh
Bình luận