Hotline: 0941068156
Thứ ba, 12/11/2024 04:11
Thứ năm, 18/04/2024 19:04
TMO - Thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính đang trong quá trình thiết lập. Vì vậy, việc quy định rõ hơn các đối tượng tham gia nhằm tăng tính ổn định cho thị trường khi đưa vào vận hành.
Theo đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ các đối tượng tham gia trao đổi hai loại hàng hóa này. Cụ thể, đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ carbon gồm: các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon.
(Ảnh minh họa)
Về trao đổi hạn ngạch, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia khác nhau có quy định khác nhau nhau về các đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch tùy theo mục đích quản lý như: không hạn chế đối tượng tham gia trao đổi (Liên minh Châu Âu); chỉ cho phép các cơ sở được phân bổ hạn ngạch và một số ít các cơ quan, tổ chức thiết lập thị trường (Hàn Quốc); chỉ giới hạn các cơ cở được phân bổ hạn ngạch (Trung Quốc). Đối với Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính đang trong quá trình thiết lập. Vì vậy, việc quy định rõ hơn các đối tượng tham gia nhằm tăng tính ổn định cho thị trường khi đưa vào vận hành.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon cũng bổ sung Điều 20 quy định các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện đo đạc – báo cáo – thẩm định cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực.
Hiện nay, trên thực tế đã có nhiều giao dịch tín chỉ carbon thông qua hình thức thỏa thuận hợp đồng hoặc bán lại trên sàn giao dịch tự nguyện quốc tế, nhưng chưa thực hiện các yêu cầu về báo cáo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Vì vậy, để quản lý thống nhất hạn ngạch và tín chỉ carbon, các hoạt động giao dịch tín chỉ carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung trong dự thảo Nghị định mới nội dung về Hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia.
HẢI YẾN
Bình luận