Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 09:11
Thứ hai, 15/04/2024 20:04
TMO – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tổn hại đến mọi người dân, mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và người khuyết tật là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, bảo vệ kịp thời.
Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu nhiều cơn bão, lũ, mưa lụt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất. Đối mặt với thiên tai, chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em. Đối với phụ nữ, các chuyên gia cho rằng, gia tăng nhiệt độ, các đợt nắng nóng kéo dài, hạn hán làm gia tăng căng thẳng, áp lực và lo lắng trong các hộ gia đình, có thể dẫn đến bạo lực đối với phụ nữ. Sự gia tăng tần suất các bệnh liên quan đến khí hậu và nhiệt độ đặt ra những thách thức đáng kể cho sức khỏe bà mẹ.
Biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng nghèo và tái nghèo của các nhóm dân tộc thiểu số. Các nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lại bị hạn chế về khả năng thích ứng, tiếp cận thị trường và các dịch vụ tài chính cho thích ứng và phục hồi sau thiên tai, khiến họ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo hơn, khó có khả năng phát triển. Gia tăng nhiệt độ, các đợt nắng nóng kéo dài, hạn hán làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh ở trẻ em và thanh thiếu niên. Gia tăng số ngày nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung, học tập của trẻ em và năng lực giảng dạy của giáo viên. Lũ lụt ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em do mất sinh kế có thể phải bỏ học, phải đối mặt với các hiểm họa môi trường sau thiên tai, thiệt hại cơ sở hạ tầng giáo dục.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả dông lốc.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Việc di cư của các cặp vợ chồng trẻ để theo đuổi cơ hội kinh tế tốt hơn thường được chuyển thành gánh nặng đối với ông bà do phải chăm sóc gia đình và con cháu, khiến họ không tiếp cận được các cơ hội “làm việc phi nông nghiệp”.Biến đổi khí hậu có tác động mạnh đến người khuyết tật do họ có mức độ dễ bị tổn thương cao, hạn chế về khả năng thực hiện các hành động thích ứng và tham gia trong lập kế hoạch thích ứng. Họ cũng đối mặt với nguy hơn cao hơn trong trường hợp di dời khẩn cấp. Thiệt hại và gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể dẫn đến sự giảm sút về thể trạng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ hiệu quả các đối tượng dễ bị tổn thương, ảnh hưởng bởi thiên tai nói riêng, biến đổi khí hậu nói chung. Ngoài ra, các địa phương cần tính toán phương án ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, cần tích cực chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tìm kiếm lợi nhuận một cách thân thiện với môi trường và được UNEP quan niệm là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người, công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Thực chất của xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là làm giảm phát thải carbon, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, góp phần làm giảm các xung đột về môi trường. Đồng thời, cần chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, tôn trọng các quy luật tự nhiên. Theo đó, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác phù hợp với đặc điểm sinh thái của các vùng và địa phương nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tăng cường hệ thống bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Chủ động thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đồng thời, “xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên tai… Huy động, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là nhiệm vụ thiết yếu cung cấp nguồn sống cho con người, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng giới trong phát triển, cân bằng sinh thái thiên nhiên trên Trái đất và tạo sự thịnh vượng, phát triển bền vững của loài người… Do vậy, cần thực hiện tốt nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển”. Thực hiện hiệu quả Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng trên diện rộng, tác động mang tính xuyên vùng, xuyên quốc gia, vì vậy, cần tiếp tục duy trì mối quan hệ bền vững với các đối tác truyền thống và mở rộng hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu. Tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong huy động nguồn vốn, tăng cường năng lực khoa học – công nghệ. Thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Các chiến lược quốc gia về phòng, chống biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững chỉ có thể thành công nếu như khuyến khích được sự tham gia của các ngành, các cấp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân, đặc biệt là cần sử dụng những kênh truyền thông và thông điệp truyền thông thích hợp đối với các “nhóm” dễ bị tổn thương, như phụ nữ và trẻ em gái, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, những người sống ở vùng sâu, vùng xa và khu vực dễ bị thiên tai…, về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự an toàn và sinh kế của họ (cũng như của thế hệ tương lai).
THẢO PHƯƠNG
Bình luận