Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 13:04
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
TMO – Chuyển đổi xanh mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bởi giá trị hàng hóa, sản phẩm. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cũng khiến không ít doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức bởi bài toán ‘kinh tế’. Do đó, chính các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, tầm nhìn để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn khi Trung ương quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng mới kết hợp việc bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050. Đây không còn là vấn đề nhìn nhận, do dự mà là bắt buộc, thích ứng chuyển đổi, hay nói cách khác là cuộc đua của các doanh nghiệp.
Cuộc đua tiếp sức này xuyên suốt, có những việc có thể làm ngay trong năm 2025 hoặc trong những năm tới, nhưng có những việc cần phân chia lộ trình và cần thời gian, để cho tất cả người dân, doanh nghiệp tiếp sức trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2050.
"Chuyển đổi xanh" mang đến nhiều giá trị và cơ hội cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp đã hội nhập rất nhanh trong những khía cạnh, từ chế biến đến ngành hàng thực phẩm, dịch vụ… Cơ bản các doanh nghiệp đều thích ứng, bước đầu tham gia vào công cuộc đó. Rõ ràng, việc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sản xuất, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu. Một điểm khác mà doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn, đó là thương hiệu, sản phẩm được chứng nhận xanh, vượt qua rào cản thuế quan…
Đối với người dân Việt Nam, khi đạt đến mức thu nhập cao hơn, bản thân nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ cao hơn, được thụ hưởng những sản phẩm và dịch vụ giá trị cao. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp biết tận dụng những cơ hội, hiểu rõ về cơ chế chính sách và thể chế toàn cầu lẫn trong nước, doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ một cách tích cực từ phía nhà nước, từ phía các nhà đầu tư hoặc được tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội sẽ đi kèm với thách thức với các doanh nghiệp như việc chuyển đổi công nghệ, khả năng tiếp cận vốn…
Các chuyên gia cũng lưu ý, doanh nghiệp cần nhận thức rõ yêu cầu bắt buộc từ thị trường về chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn, trong đó truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc. Đối với ngành thủy sản hay trái cây, các hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng, đòi hỏi mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi rõ ràng. Khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự kiểm tra và đánh giá từ phía đối tác, và đây chính là áp lực cạnh tranh trực tiếp.
Các doanh nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nếu không chuyển đổi sớm, doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội cạnh tranh. Trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cần được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Nếu vẫn lạm dụng hóa chất và tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp không chỉ làm tổn hại môi trường mà còn hủy hoại chính mình. Các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, như Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với phát thải thấp, là những hướng đi thiết thực cần được nhân rộng. Yếu tố con người cũng vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng mới, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế xanh. Chuyển từ một nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh đòi hỏi thay đổi cả trong tư duy và cách làm, nhằm khai thác tài nguyên hiệu quả hơn và để lại giá trị bền vững cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít thách thức. Trước tiên là bài toán hiệu quả kinh tế. Đối với nông dân, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Họ sẽ đặt câu hỏi liệu sản phẩm xanh có bán được giá cao hơn không? Đây là lý do cần có các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp đến, liên quan đến chi phí đầu tư. Việc chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có khả năng thực hiện.
Một trở ngại khác cũng được chuyên gia đề cập, đó là ‘tư duy’. Việc chuyển đổi xanh chỉ thực sự hiệu quả khi nó thấm sâu vào nhận thức của từng doanh nghiệp, từng người lao động. Đây là một quá trình cần sự đồng hành từ các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và chính bản thân doanh nghiệp. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững…/.
THANH BÌNH
Bình luận