Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ sáu, 24/05/2024 10:05
TMO – Ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh với 10 phân ngành chính gồm hóa nông (phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật), hóa dầu, hóa chất cơ bản, điện hóa, sơn - mực in, khí công nghiệp, hóa dược, sản phẩm cao su, chất tẩy rửa và hóa chất khác.
Theo đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 định hướng phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác...
(Ảnh minh họa)
Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, hiện nay, công nghiệp hoá chất Việt Nam có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh với 10 phân ngành chính gồm hóa nông (phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật), hóa dầu, hóa chất cơ bản, điện hóa, sơn - mực in, khí công nghiệp, hóa dược, sản phẩm cao su, chất tẩy rửa và hóa chất khác. Công nghiệp hoá chất được coi là ngành công nghiệp nền tảng trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, để ngành hoá chất phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Chiến lược trên, Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư với các quốc gia phát triển với định hướng thu hút đầu tư công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mới, hướng tới phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, trước những cơ hội và thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện rõ sự nỗ lực, khẩn trương trong việc thực hiện các cam kết về môi trường nhằm bảo đảm tận dụng được tối đa các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và những cơ hội các Hiệp định thương mại tự do mang lại; Xây dựng và đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường với nhiều quy định mới, phù hợp với các Công ước quốc tế, Điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Trước đó, ngày 16/6/ 2022, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...;
Hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất; Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.
Đến năm 2040: Công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.
HẢI YẾN
Bình luận