Hotline: 0941068156
Thứ năm, 09/01/2025 03:01
Thứ tư, 08/01/2025 08:01
TMO – Theo Quy hoạch, các xã nông thôn ven đô, đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành các điểm dân cư tập trung nông thôn xanh, sinh thái.
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc đô thị hóa nông thôn sẽ lựa chọn các xã có điểm dân cư nông thôn tập trung quy mô lớn, có tiềm năng phát triển kinh tế phi nông nghiệp, có điều kiện thuận lợi tiếp cận hạ tầng liên vùng và liên huyện nâng cấp lên đô thị, quy hoạch phát triển các khu dân cư nông thôn để từng bước mở rộng không gian và hoàn thiện các tiêu chí đô thị; đảm bảo mỗi huyện có tối thiểu 01 đô thị trung tâm huyện lỵ; phân bố các đô thị cân đối theo các tiểu vùng phát triển của huyện. Hình thành thị trấn, đô thị mới, trung tâm cụm xã mới, như: Thị trấn nông - công nghiệp trên cơ sở trung tâm đầu mối dịch vụ sản xuất, thị trấn nông nghiệp - dịch vụ - du lịch trên cơ sở trung tâm đầu mối cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi giải trí nông nghiệp - nông thôn.
(Ảnh minh họa)
Tại khu vực miền núi từng bước hình thành khu dân cư nông thôn theo hình thức cụm dân cư gắn với địa bàn sản xuất, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh đô thị hóa khi đủ điều kiện. Số lượng xã nâng cấp lên đô thị trên địa bàn cấp huyện tùy thuộc vào mức độ phát triển và đặc điểm địa lý lãnh thổ của từng huyện. Phát triển cơ sở hạ tầng và chức năng tại địa bàn xã lên đô thị được cân đối theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng huyện và liên huyện;
Các xã nông thôn ven đô, đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành các điểm dân cư tập trung nông thôn xanh, sinh thái. Từng bước đưa phát triển đô thị về địa bàn nông thôn; Đối với khu dân cư nông thôn chuyển thành đô thị: Phát triển lối sống thành thị, kiểm soát đất đai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, lập chính sách hợp lý để chuyển đổi cơ cấu đất đai, cơ cấu lao động và tái định cư. Phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho các đô thị chính và từng bước đưa phát triển đô thị về địa bàn nông thôn, nhằm mục tiêu đô thị hóa tại chỗ;
Đối với khu dân cư nông thôn ngoại vi các thành phố lớn: Tăng cường liên kết đô thị lõi trung tâm và thị trấn ven đô về kinh tế và việc làm, dân số và dịch cư, nhà ở và cư trú, giao thông và đi lại, nông nghiệp canh tác, cảnh quan môi trường sinh thái. Xây dựng công cụ quản lý phù hợp với 3 không gian chính là không gian xây dựng, không gian mở, không gian nông nghiệp; Đối với khu dân cư nông thôn trong vùng đô thị lớn: Hình thành các vành đai sinh thái nông nghiệp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị và nông thôn. Khu dân cư nông thôn chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cấu trúc định cư cộng sinh với nền kinh tế nông nghiệp đô thị hiện đại, dịch vụ văn hóa di sản, du lịch nghỉ dưỡng gắn với giáo dục và chăm sóc sức khỏe v.v... Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm tác động tiêu cực từ đô thị tới môi trường nông thôn, tham gia chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng sản xuất gắn với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển mạng lưới hạ tầng khu dân cư nông thôn đồng bộ, an toàn, thuận lợi phục vụ sản xuất và đời sống cư dân nông thôn, tạo điều kiện các vùng khó khăn phát triển và thu hẹp khoảng cách với các địa bàn thuận lợi. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với nông thôn thuộc vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…/.
VĂN NHI
Bình luận