Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 14:11
Thứ năm, 30/05/2024 08:05
TMO – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giao đơn vị chuyên môn tiến hành xây dựng điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội với mục tiêu đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên khoáng sản (cát, cuội, sỏi lòng sông) của khu vực này.
Theo Bộ TN&MT, nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc cung ứng vật liệu san lấp nói chung và cát xây dựng nói riêng tại khu vực ĐBSCL, Bộ TN&MT đang xây dựng điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông tại khu vực này. Theo đó, để kịp thời đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu san lấp nói chung và cát san lấp, xây dựng nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết đặc thù, theo đó đối với việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã giảm tối đa các thủ tục hành chính.
(Ảnh minh họa)
Triển khai các Nghị quyết nêu trên, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản đã bổ sung Điều 53b về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia áp dụng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội, hiện nay Nghị định đã trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Các Nghị quyết nêu trên và Nghị định sắp ban hành là hành lang pháp lý quan trọng đã tháo gỡ các khó khăn trong việc cung ứng vật liệu san lấp nói chung và cát xây dựng nói riêng đối với các công trình nêu trên. Bộ TN&MT đang tiến hành thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị khu vực ĐBSCL". Dự án kết thúc đi vào khai thác sẽ khắc phục tình trạng khan hiếm cát san lấp, cát xây dựng.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT cũng giao đơn vị chuyên môn tiến hành xây dựng điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông khu vực ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội với mục tiêu: Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông khu vực ĐBSCL; Đánh giá và phân vùng nguy cơ tai biến địa chất (sụt lún, sạt lở bờ sông) do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và tác động của hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông gây ra. Đồng thời, đề xuất quy hoạch thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.
Theo thống kê, khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 60 dự án khai thác cát đã cấp phép, tổng trữ lượng cát là khoảng 80 triệu m3; trong đó, có 63 triệu m3 cát san lấp và 17 triệu m3 cát xây dựng. Thời gian qua, khu vực này cũng đã cấp tiếp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Tổng cộng có khoảng 120 triệu m3 cát (gồm 20 triệu m3 cát xây dựng và khoảng 100 triệu m3 cát san lấp) trong khi nhu cầu của 4 dự án cao tốc đang triển khai là 53,68 triệu m3. Bộ TN&MT cho biết, nếu điều phối một cách hợp lý sẽ không thiếu cát để phục vụ các công trình dự án cao tốc hiện nay ở khu vực ĐBSCL.
PHẠM DUNG
Bình luận