Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ sáu, 12/01/2024 08:01
TMO - Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy sạc nhiều lần; dầu nhớt; săm lốp; bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Từ ngày 1/1/2024 các nhà sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng sau đây phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, cụ thể: Ắc quy (gồm ắc quy chì và các loại khác) và pin sạc nhiều lần (gồm pin các loại sử dụng cho phương tiện giao thông và pin các loại sử dụng cho các thiết bị điện – điện tử); Dầu nhớt dùng cho động cơ; Săm lốp các loại bao bì (bao bì thương phẩm gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài) của các sản phẩm. Các loại bao bì này gồm: thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất mỹ phẩm; thuốc theo quy định của pháp luật về dược; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo quy định của pháp luật về phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong lĩnh vực gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng.
(Ảnh minh họa)
Cũng theo quy định, trong một số trường hợp, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế, bao gồm: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm, bao bì; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại); Nhà sản xuất bao bì có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức tái chế sản phẩm là tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Và, một đơn vị sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn 1 hình thức thực hiện tái chế. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì thì có thể lựa chọn thực hiện theo các cách thức sau đây: Tự thực hiện tái chế; Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; Uỷ quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; hoặc kết hợp cả 3 cách thức nêu trên.
Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm. Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế theo đúng thời gian quy định.
Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nếu nhà sản xuất, nhập khẩu muốn tự mình thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đơn vị tái chế được thuê phải phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Trong đó, doanh nghiệp phải có công nghệ, thiết bị tái chế phù hợp để đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc; tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường như: có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; có giấy phép môi trường; tuân thủ các quy định về quan trắc, xử lý chất thải… Bên cạnh đó, nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế hàng năm.
Trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện tái chế mà không đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc; không tuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ môi trường thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Với trường hợp, nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức ủy quyền toàn bộ cho tổ chức trung gian để tổ chức tái chế thì bên được ủy quyền phải bảo đảm: Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật; Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được uỷ quyền; Được ít nhất 3 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý uỷ quyền tổ chức tái chế. Bên được ủy quyền thực hiện đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế hàng năm thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu đã ủy quyền…/.
Phạm Dung
Bình luận