Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ năm, 19/09/2024 08:09
TMO - Để chủ động ứng phó với mưa lớn do áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố khu Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa), Tây Nguyên bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2024. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Hồi 4 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 109,8 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 4, ở vùng biển phía Tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), sóng biển cao 24m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10 (89-102km/giờ), sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.
Trước những dự báo về tình hình áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trước đó, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện số 12/CĐ-TL-ATĐ về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt do mưa lớn. Cụ thể, Cục trưởng Cục Thủy lợi điện: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa), Tây Nguyên; Chủ tịch, Giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, thành phố; Giám đốc Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi trong vùng ảnh hưởng; Giám đốc các Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, 4, 5; lãnh đạo các đơn vị cấp nước sạch khu vực nông thôn.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và đề phòng ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, Cục Thủy lợi đề nghị các đơn vị trên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập; thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng hệ thống cấp nước sẽ bị ảnh hưởng, có phương án đảm bảo cung cấp nước cho người dân.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện: số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 16/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.
(Ảnh minh họa).
Các đơn vị rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; chủ động tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương theo điều kiện cho phép. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp thu, trữ, xử lý nước đơn giản trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; thông báo cho người dân chủ động tích trữ nước tại hộ gia đình để đảm bảo nước sinh hoạt phòng sự cố xảy ra.
Đặc biệt là việc xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét tích nước hạn chế hoặc không tích nước.
Các đơn vị thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt. Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, căn cứ vào tình hình dự báo mưa để thực hiện điều chỉnh mực nước hồ nhằm chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du đồng thời tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Cục Thủy lợi cũng yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố để kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”; kịp thời xử lý tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các đơn vị thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt của Cục Thuỷ lợi.
Thanh Nga
Bình luận