Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 11:01
Thứ năm, 01/08/2024 09:08
TMO - Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao như: Công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm.
Theo đó, phát biểu trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ (tổ chức hôm 31/7), Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, giữa hai nước có 5 yếu tố nền tảng rất quan trọng để các doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác với sự tin cậy cao, thành công, hiệu quả, góp phần cho quan hệ hai nước. Đó là: Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh tương đồng; ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doang nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước. Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng và đào tạo nhân lực) dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...). Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động mọi nguồn lực phát triển, phát triển mạnh mẽ kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao như: Công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm….
Các doanh nghiệp dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối thoại, kết nối đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy, triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được thị trường Ấn Độ và sớm mở thêm đường bay thẳng giữa hai nước. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển (ODA), trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam; kịp thời báo cáo đối với các vấn đề vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ số, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cung ứng điện, quỹ đất sạch, thành lập các Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các nhà đầu tư…
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (hydrogen), dược phẩm (đặc biệt là vaccine, thuốc điều trị các bệnh nan y), năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học… Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng; coi Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao…
Trước đó, nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 30/7 đến 1/8. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
LÊ HÙNG
Bình luận