Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Thứ tư, 15/03/2023 19:03
TMO – Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%; số lợn buộc phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, cả nước đã xảy ra 1.256 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 54 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 60.442 con lợn. Từ đầu năm 2023 đến ngày 7/3/2023, cả nước đã xảy ra 68 ổ dịch tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%; số lợn buộc phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%.
Tiêu huỷ gia súc mắc dịch tả lợn châu Phi.
Thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng đã triển khai các Kế hoạch giám sát chất lượng và sử dụng 1,2 triệu vắc xin phòng bệnh. Mục tiêu của các Kế hoạch nhằm bảo đảm các vắc xin dịch tả lợn châu Phi đạt yêu cầu về chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại thực địa của ít nhất 10 lô vắc xin sản xuất liên tiếp. Theo Cục Thú y, hiện nay, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới vẫn rất cao. Nguyên nhân do đặc điểm của vi rút dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.
Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch. Do đó, cần tiếp tục chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống.
Thanh Bình
Bình luận