Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ năm, 27/10/2022 19:10
TMO – Số ca nhiễm sốt xuất huyết tại Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam…liên tục tăng do thời tiết đang giao mùa nên các địa phương cần tập trung triển khai các biện pháp phòng chống để đảm bảo sức khoẻ người dân.
Tại Quảng Nam, tính đến nay, địa phương này ghi nhận 11.880 ca mắc sốt xuất huyết trên 18 huyện, thị xã, thành phố. Sốt xuất huyết bắt đầu từ tháng 6, tăng đột biến từ tháng 8 và chưa có xu hướng giảm. Các địa phương trong tỉnh có số ca mắc cao như: huyện Đại Lộc, Thị xã Điện Bàn, TP. Tam Kỳ, huyện Thăng Bình… Trong đó tại TP. Đà Nẵng, ghi nhận đến đầu tháng 10, địa phương này có hơn 6.200 ca mắc, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương có số ca mắc tăng là quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn. Hiện Trung tâm y tế các quận, huyện cũng đang tập trung giám sát những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch nhỏ, hạn chế số ca mắc mới trong cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Tại Quảng Bình, tính đến ngày 24/10, địa phương này ghi nhận gần 5.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất tập trung ở các địa phương: Huyện Lệ Thủy với 1.480 ca, Bố Trạch 1.100 ca, huyện Quảng Ninh gần 800 ca và TP. Đồng Hới 677 ca. Đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu chững lại, ghi nhận mỗi ngày gần 100 ca mắc mới. Trong giai đoạn giao mùa, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp. Để phòng bệnh suốt xuất huyết, các đơn vị y tế địa phương đã tập trung phun hóa chất diệt muỗi và xử lý các ổ dịch; phối hợp với các đoàn thể, địa phương triển khai vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng; đồng thời tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia y tế, hiện đang là cao điểm mùa mưa, nên nhiều dụng cụ phế thải chứa nước nhỏ tại các khu dân cư, cùng với nhiều hộ gia đình trên đảo dùng vật dụng trữ nước mưa vào mục đích sinh hoạt, đây là điều kiện để muỗi vằn phát triển và khiến dịch bùng phát. Các địa phương cần huy động lực lượng vũ trang, y tế, thanh niên xung kích và nhân dân ra quân chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, xử lý các vật dụng chứa nước không cần thiết, khoanh vùng ổ dịch để phun hóa chất với quyết tâm không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền trên sóng phát thanh, lưu động, mạng xã hội, phát tờ rơi để người dân nhận thức và thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Phạm Yến
Bình luận