Hotline: 0941068156
Thứ tư, 01/01/2025 19:01
Chủ nhật, 29/12/2024 14:12
TMO - Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế.
Nội dung trên được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định trong Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 vừa diễn ra mới đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. Số ca sởi dương tính ghi nhận hơn 6.700, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Trong đó có 13 ca tử vong, tăng 13 ca so với năm ngoái. Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao là Đồng Nai (6.360 ca), TPHCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)... Tỷ lệ tiêm chủng sởi đạt tỷ lệ rất cao tại một số địa phương, nhưng bệnh sởi vẫn ghi nhận ở các tỉnh đó. Nguyên nhân do thống kê số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa sát thực tế.
Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm có số trường hợp tử vong cao nhất (84 ca tử vong từ đầu năm đến nay). Để ngăn ngừa bệnh dại trên người, giải pháp hiệu quả hiện nay là cần đạt tỷ lệ tiêm chủng cho chó, mèo trên 70% (hiện chỉ đạt dưới 50%). Hằng năm, trên thế giới trung bình có 5 bệnh mới xuất hiện trên người, trong đó có 3-4 bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Việt Nam nằm trong điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm đang nổi trên người có xuất xứ từ động vật (trong đó 72% bệnh truyền nhiễm đang nổi trên người từ động vật hoang dã).
Đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch góp phần ngăn chặn, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa.
Cục Y tế dự phòng dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân còn phổ biến, đặc biệt là nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc. Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết, trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế; có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.
Theo các chuyên gia, bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Đối với một số nhóm người yếu thế như trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, người có yếu tố suy giảm miễn dịch, người cao tuổi,… khi mắc bệnh truyền nhiễm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, để phòng chống hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm, cần triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống. Trong đó, cần quan tâm nhiều hơn đến tiềm phòng giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, việc tiêm chủng đầy đủ là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả và chủ động. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo mùa như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng: tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải…/.
THẢO NGUYÊN
Bình luận