Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ hai, 11/04/2022 15:04
TMO – Vấn đề “Di cư tự do” có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự cũng như nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân di cư tự do. Tuy nhiên, nếu có giải pháp phù hợp mang tính thực tế và khoa học cao, không những giải quyết được những tồn tại mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.
Di cư tự do là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó Nhà nước có trách nhiệm chính trong việc giúp người dân các địa phương các tỉnh khắc phục những hệ lụy do di cư tự do gây ra. Trong thời gian tới, để góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Các chuyên gia cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung cũng như đối với bộ phận dân di cư tự do nói riêng trên địa bàn, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tìm ra và ưu tiên một số giải pháp căn cơ để khắc phục khó khăn và giảm di cư tự do.
Cần tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng di cư tự do ở khu vực Tây Nguyên; trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp căn cơ, phù hợp và khả thi để triển khai trong thực tiễn; phải đề ra chiến lược lâu dài, quản lý địa bàn chặt chẽ, tránh tình trạng “đi không hay, đến không biết”. Do đó, để hạn chế di cư tự do đến khu vực Tây Nguyên, cần quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhất là người dân ở vùng dân tộc miền núi phía Bắc vì dân di cư tự do đến Tây Nguyên những năm gần đây, có đời sống khó khăn, phức tạp chủ yếu là người dân vùng dân tộc thiểu số phía Bắc.
Nhiều cơ chế, chính sách được áp dụng giúp người dân ổn định sản xuất.
Trong gần hai thập kỷ qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nổi bật như chương trình về đất sản xuất, đất ở, về hỗ trợ vốn, song đời sống của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn vô cùng khó khăn, dẫn đến việc họ phải tìm đến miền đất khác với hy vọng có thể cải thiện đời sống, và Tây Nguyên là một trong những địa bàn chủ yếu được lựa chọn. Thời gian tới, cần tiến hành đánh giá thực chất hiệu quả của các chương trình, dự án này, đồng thời tiếp tục có các chương trình, dự án thực sự thiết thực, giúp người dân ổn định sản xuất, cải thiện đời sống. Chỉ có như vậy, người dân mới không tìm cách di cư tự do.
Đưa ra định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết những khó khăn đối với người dân đã di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên. Thực tế, một bộ phận đông đảo người dân đã di cư tự do đến Tây Nguyên, tạo thành các “điểm nóng” dân cư phân bố rải rác ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp: Cần đánh giá kết quả thực hiện các chính sách sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, đề xuất với Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết dứt điểm các điểm nóng, ổn định đời sống, sản xuất cho dân di cư tự do; Rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu giải pháp điều chỉnh quy hoạch, chuyển một số diện tích đất lâm nghiệp sang rừng sản xuất để xây dựng một số dự án sắp xếp, ổn định cho đồng bào di cư tự do. Di chuyển, bố trí, sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ di cư tự do đang cư trú, sản xuất ngoài quy hoạch, trong vùng rừng phòng hộ xung yếu, lõi rừng đặc dụng, khu vực biên giới;
Nhanh chóng tính toán và đề xuất cấp có thẩm quyền dành ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân như trường học; cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; cấp thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện công tác kiểm soát dân số, bảo đảm các chính sách xã hội trên các địa bàn có dân di cư tự do; Cần tìm hướng xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, các đối tượng kích động, lôi kéo đồng bào di cư tự do, phá rừng, giải quyết kịp thời các khiếu nại, khiếu kiện chính đáng của người dân; về lâu dài mới đảm bảo được an ninh chính trị, quốc phòng trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, nhóm giải pháp tiếp theo là nghiêm cấm thực hiện giao dịch đất đai do Nhà nước cấp cho hộ nghèo, hộ chính sách; hạn chế tối đa xây dựng các thủy điện nhỏ, làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào. Nông trường nào không có hiệu quả cần thu hồi đất để giao cho người dân địa phương canh tác, nghiêm cấm việc các nông trường “phát canh thu tô” với các hộ sống ở bìa rừng. Đối với hộ chưa có đất sản xuất cần bố trí đất cho bà con theo quy hoạch. Bố trí dân cư đến đâu thì cấp hộ khẩu, chứng minh thư cho người dân đến đó, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng ngay, phục vụ cuộc sống của người dân; Cần khẩn trương hướng dẫn người dân xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, đăng ký tạm trú, thường trú; hình thành, công nhận các điểm, nhóm dân di cư tự do theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân; bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư và trật tự, an toàn xã hội.
Đức Nam
Tây Nguyên: Di cư tự do tác động thế nào đến phát triển kinh tế-xã hội?
Bình luận