Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 01:01
Thứ tư, 31/01/2024 19:01
TMO - Tổng cục Thuế cũng nhất trí với các ý kiến cần phải tăng mức thuế đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để từng bước hạn chế sản xuất, sử dụng túi nylon. Thậm chí, có thể cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng đối với một số loại túi nylon khó phân hủy và xử lý.
Một số chuyên gia cho rằng, để hạn chế túi nylon, giải pháp quan trọng nhất là áp thuế thật cao, để hạn chế nhập, sản xuất và tiêu dùng các loại nylon. Theo lý giải, Nhà nước cần đánh thuế thật cao ở hai khâu. 1 - đối với nhựa, hạt nhựa phổ thông, cần nâng mức thuế nhập khẩu lên gấp 5 - 10 lần hiện nay, thậm chí cao hơn nữa dựa trên sự tính toán chi tiết của các cơ quan chức năng. 2 - đối với các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nhiều sản phẩm nhựa, phải đánh thuế đầu ra thông qua các sản phẩm cụ thể để lấy kinh phí khắc phục những vấn nạn môi trường. Riêng với các doanh nghiệp không có hoạt động thu hồi, tái chế sản phẩm nhựa thì phải đánh thuế cao hơn nữa.
Riêng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần có quy định cụ thể, chi tiết đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm nhựa, yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp thu hồi, tái chế, tức là xử lý tại nguồn chứ không phải thụ động giải quyết tình thế. Nếu chưa có, phải sớm đưa tiêu chuẩn này vào hệ sinh thái của doanh nghiệp để định hướng phát triển.
Ý thức người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong giảm rác thải nhựa. Ảnh minh họa.
Theo Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường để đề xuất hoàn thiện chính sách thuế này, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường và đặt trong tổng thể Chiến lược Cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.
Pháp luật hiện hành quy định 8 nhóm hàng hóa đối tượng chịu thuế, trong đó có nhóm hàng hóa là túi nylon khó phân hủy, không thân thiện môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện đang áp dụng đối với mặt hàng túi ni lông là 50.000 đồng/kg, mức tối đa theo khung thuế quy định tại luật thuế bảo vệ môi trường. Song theo Tổng cục Thuế, mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon tại Việt Nam nếu quy đổi ra 1 túi thì thấp hơn mức thu thuế của một số nước có áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon. Do đó, Tổng cục Thuế cũng nhất trí với các ý kiến cần phải tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để từng bước hạn chế sản xuất, sử dụng túi nylon. Thậm chí, có thể cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng đối với một số loại túi nylon khó phân hủy và xử lý.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, để doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đầu tư, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc cung cấp thông tin, chính sách toàn cầu ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần Có cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình sản xuất hướng đến carbon thấp, mô hình kinh doanh ít phát thải cho doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong thời điểm hiện nay cần ưu đãi thuế với hàng hoá dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp, ít phát thải.
HẢI YẾN
Bình luận