Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Chủ nhật, 08/09/2024 07:09
TMO – Một trong những nội dung đề xuất sửa đổi là tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật thuộc Phụ lục Công ước CITES; gắn quyền, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của người dân địa phương khi tham gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đồng thời cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của các hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, có nhiều mẫu vật động vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật có nguồn gốc nước ngoài như voi, hổ, tê giác, tê tê… Các hoạt động khai thác, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh mẫu vật động vật hoang dã cần được quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES.
Nghị định 06/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES và Nghị định 84/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 cơ bản đã nội luật đầy đủ các quy định của CITES.
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 06 và Nghị định 84 đã có một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa có tiêu chí sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chưa quy định cụ thể nội dung về trình tự, thủ tục khai thác đối với các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan quản lý; các quy định về điều kiện xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chưa phù hợp với thực tiễn...
Do vậy, Bộ NN&PTNT xây dựng Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp để thay thế các văn bản trên là cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với những quy định của Luật lâm nghiệp, đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý, đảm bảo tính khả thi và hài hòa với yêu cầu của Công ước CITES.
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định số 06 và Nghị định số 84, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập; bổ sung những quy định mới phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý; có tính khả thi cao, tránh sự chồng chéo, thiếu thống nhất. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; gắn quyền, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của người dân địa phương khi tham gia.
Bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định rõ các điều kiện đầu tư, kinh doanh, cắt giảm tối đa thời gian cấp các loại giấy phép, chứng chỉ; bảm đảo tính khả thi của dự thảo Nghị định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhận thức, ý thức pháp luật của tổ chức, cá nhân trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Đa dạng sinh học đối diện nhiều thách thức
Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước...
Theo các chuyên gia, Việt Nam nằm ở vị trí chuyển giao của nhiều luồng sinh vật: phía Đông mang các đặc điểm địa sinh học của dãy Hymalaya; phía Nam có các kiểu hệ sinh thái tương tự với các hệ sinh thái biển đảo và đất liền của khu vực Đông Nam Á; dãy Trường Sơn là vùng chuyển tiếp giữa kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bên cạnh các dãy núi, Việt Nam còn có 16 hệ thống sông chính, trong đó có hơn 10 hệ thống sông mà lưu vực có diện tích trên 10.000km2 như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai... Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì Việt Nam còn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác như trảng cỏ, đất ngập nước nội địa, đồi cát, bãi bồi ven biển, cửa sông, bãi cỏ biển, rạn san hô và vùng biển sâu. Song song đó còn có các hệ sinh thái nhân tạo như đập nước, đất nông nghiệp, đô thị.
Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Việt Nam là nơi trú ngụ của hơn 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn (312 loài thú, 840 loài chim, 167 loài ếch nhái, 317 loài bò sát, trên 7.700 loài côn trùng, và nhiều loài động vật không xương sống khác). Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11.000 loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 5 loài rùa biển).
Các con số thống kê nêu trên chưa thực sự phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của Việt Nam, khi mà số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thực sự được hiểu biết đầy đủ.
Giá trị đa dạng sinh học cao nhưng hiện trạng tình trạng bảo tồn về đa dạng sinh học cũng là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Có thể nói hiện trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi lịch sử chiến tranh và nền văn hóa phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong giai đoạn chiến tranh, ít nhất 2,2 triệu ha rừng đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1943 - 1973. Sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng tiếp tục diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc do nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, sử dụng động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu sống của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đã đẩy nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đơn cử như đối với các loài linh trưởng. Bên cạnh đó là nhiều nguyên nhân khác như: chuyển đổi đất khi chưa có đủ luận cứ khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.
THẢO NGUYÊN
Bình luận