Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 08:01
Thứ hai, 26/08/2024 14:08
TMO - Đường sắt địa phương là đường sắt do địa phương quản lý, bao gồm: đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận; đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo đó, Luật Đường sắt quy định hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng được quy định: Đường sắt quốc gia phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế; Đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận; Đường sắt chuyên dùng phục vụ nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương và đường sắt chuyên dùng được quy định: Đường sắt quốc gia là đường sắt do Bộ Giao thông vận tải quản lý, phục vụ nhu cầu vận tải của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế; Đường sắt địa phương là đường sắt do địa phương quản lý, bao gồm: đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận; đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp đường sắt địa phương đi qua địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên được gọi là đường sắt vùng; Đường sắt chuyên dùng là đường sắt do tổ chức, cá nhân quản lý, phục vụ nhu cầu vận tải của tổ chức, cá nhân.
(Ảnh minh họa)
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Luật Đường sắt chưa có quy định về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt vùng. Do đó, Bộ này đề xuất, đầu tư xây dựng công trình đường sắt là việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, cải tạo công trình đường sắt theo quy định của pháp luật. Đối với việc đầu tư xây dựng đường sắt vùng, UBND cấp tỉnh các địa phương có tuyến đường sắt đi qua thống nhất giao cho một địa phương chủ trì lập đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định; cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quyết định giao cho một địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư. Kinh phí để thực hiện đầu tư đường sắt vùng được phân bổ cho các địa phương theo tỉ lệ tương ứng với chiều dài tuyến đường sắt đi qua mỗi địa phương hoặc theo tỉ lệ được thống nhất giữa các địa phương với nhau.
UBND cấp tỉnh được giao là cơ quan chủ quản đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt vùng. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt vùng, đường sắt chuyên dùng.
Đến năm 2030 quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới
Đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Chính phủ phê duyệt năm 2021), đến năm 2030 sẽ cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế,… Trong đó về vận tải: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%). Về kết cấu hạ tầng là nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam; ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa- Vũng Tàu.
Tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, đến năm 2030 quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài là 2.362 km; đến năm 2050 mạng lưới đường sắt được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.
THANH BÌNH
Bình luận