Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ tư, 17/08/2022 21:08
TMO - Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đề xuất UBND thành phố các phương án chấn chỉnh, giám sát và ngăn chặn tình trạng sơn, vẽ bậy trên các cây cầu và công trình công cộng trên địa bàn.
Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo UBND thành phố về việc xử lý tình trạng sơn vẽ trên cầu Thủ Thiêm 2 và các công trình khác trên địa bàn, gây mất mỹ quan đô thị. Cụ thể, công trình cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng, dài gần 1,5km với 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, nối TP.Thủ Đức qua quận 1, bị bôi bẩn sau ba tháng khánh thành.
Về việc xử lý các vị trí sơn vẽ trên cầu Thủ Thiêm 2, Sở Giao thông vận tải cho biết, đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan và chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện tẩy xóa các vị trí bị sơn vẽ bằng các dung dịch chuyên dụng. Hiện nay, bề mặt công trình đã được hoàn trả gần nguyên trạng.
Nhiều hình vẽ xấu tại lối xuống dành cho người đi bộ bên phía quận 1 tại cầu Thủ Thiêm. Ảnh: Chân Phúc
Theo Sở Giao thông vận tải, tình trạng sơn vẽ, dán quảng cáo gây mất mỹ quan trên các công trình giao thông trên địa bàn Thành phố diễn ra thường xuyên và rất khó để phát hiện, xử lý. Năm 2019, Sở GTVT yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nghiên cứu triển khai thí điểm dùng sơn chuyên dụng để sơn bảo vệ bề mặt, chống dính khi bị sơn vẽ hoặc dán quảng cáo, rao vặt trên các công trình giao thông, nâng cao mỹ quan đô thị, tuy nhiên giá thành loại sơn này khá cao so với sơn thông thường, do đó đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện mở rộng đại trà cho các công trình.
Để xử lý triệt để tình trạng công trình bị sơn vẽ, dán quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố giao cho đơn vị tổ chức lắp đặt bổ sung camera giám sát để tăng cường việc giám sát công trình 24/24 giờ tại các vị trí dễ gây phản cảm, bức xúc và sử dụng các loại sơn chuyên dụng, đặc biệt chống dính bề mặt nhằm hạn chế tình trạng sơn vẽ, quảng cáo và đảm bảo an toàn, mỹ quan đối với các công trình cấp đặc biệt hoặc quy mô lớn như: Cầu Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, cầu Sài Gòn 2, cầu Tân Thuận 1, cầu Tân Thuận 2...
Trước đó, sau khi dùng thử 14 loại dung môi để xóa các nét vẽ bậy trên cầu Thủ Thiêm 2 nhưng không loại nào có thể xóa sạch 100%, Sở GTVT TP HCM cho biết đang nghiên cứu sử dụng loại sơn chống dính đặc biệt để sơn tại các vị trí thường xuyên bị vẽ bậy trên cầu.
Nhằm quyết liệt trong công tác ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, Sở GTVT cũng giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Công an TP HCM phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt nghiêm để hạn chế hành vi vẽ sơn, dán quảng cáo, rao vặt trên cầu, các công trình công cộng gây mất mỹ quan đô thị.
Mặc dù nhiều vị trí bị vẽ bậy đã được làm mờ và sơn đè lên lớp sơn mới, song vẫn không thể xóa sạch hoàn toàn. Ảnh: Thiện An
Sở Văn hóa&Thể thao và Sở Thông tin&Truyền thông được đề nghị phối hợp Hội Mỹ thuật thành phố tuyên truyền đến các thành viên hội, nhằm hạn chế hành vi sơn vẽ trên cầu. Đối với cầu Thủ Thiêm 2, Công an thành phố, UBND quận 1 và TP.Thủ Đức cần xử lý nghiêm để tăng tính răn đe đối với hành vi cố tình hoặc tái phạm sơn vẽ trên cầu.
Tình trạng tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy trên các công trình, tòa nhà diễn ra ở TP HCM từ nhiều năm nay. Phần lớn hình vẽ theo phong trào graffiti (vẽ tranh đường phố) khá phổ biến trên thế giới. Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua tàu Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại depot Long Bình, TP Thủ Đức cũng bị sơn vẽ nhiều hình thù.
Theo Nghị định 144 của Chính phủ, hành vi phun sơn, viết, vẽ lên tường, cột điện hoặc các công trình công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng.
Thùy Minh
Bình luận