Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ tư, 27/04/2022 11:04
TMO - Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại huyện Cù Lao Dung, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát thực địa nhằm tìm giải pháp khắc phục khẩn cấp sạt lở, đồng thời đề xuất UBND tỉnh xem xét công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn.
Quá trình khảo sát cho thấy trên địa bàn huyện Cù Lao Dung có trên 30 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng lấn sát chân đê bao. Các điểm sạt lở xảy ra trên địa bàn xã Đại Ân 1 với 18 điểm và xã An Thạnh Đông với 12 điểm. Tổng chiều dài sạt lở hơn 1.500m. Đặc biệt, trên các đoạn sạt lở này có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống và trên 300.000 m2 diện tích nuôi thủy sản, 400 ha diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu. Sạt lở đã làm vỡ bờ bao nuôi tôm của dân phía ngoài đê.
Ngành chức năng tiến hành khảo sát điểm sạt lở tại huyện Cù Lao Dung. Ảnh: Thạch Hồng
Nguy cơ vỡ đê tại những điểm sạt lở nêu trên vào những ngày triều cường là rất cao, đặc biệt tuyến sạt lở sông Hậu trên địa bàn xã An Thạnh Đông là tuyến tàu cao tốc Cần Thơ – Côn Đảo đi qua nên chiều dài sạt lở sẽ tiếp tục tăng, diễn biến phức tạp và nguy cơ vỡ để gây thiệt hại phía bên trong đó là rất cao nếu không được gia cố kịp thời.
Trước tình trên, ngành chức năng đề xuất công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, với phạm vi sạt lở bờ sông thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã Đại Ân 1, thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Tình trạng sạt lở lấn sát chân đê bao
Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung chủ trì, phối hợp triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm. Tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông nguy hiểm, vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác, đối với các nhà có nguy cơ sập; các nhà liền kề khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục khẩn cấp sạt lở để theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; phối hợp để hỗ trợ chính sách cho các hộ bị ảnh hưởng sạt lở, phải di dời nhà ở theo quy định.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng… trên địa bàn huyện Cù Lao Dung xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa, lũ, triều cường. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, từ năm 2019 đến nay, riêng bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 500 – 1.000 mét.
Trước đó vào năm 2019, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Các đoạn bờ sông sạt lở nguy hiểm khẩn cấp, gồm: kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên; bờ sông rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt, xã Hậu Thạnh thuộc huyện Long Phú.
Thu Nguyễn
Bình luận