Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 01:11
Thứ sáu, 20/09/2024 14:09
TMO – Các cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông phải duy trì điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này; bảo đảm các thiết bị, dụng cụ kiểm tra phải hoạt động bình thường; tuân thủ việc kiểm tra, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra theo quy định của pháp luật về đo lường.
Nội dung nêu trên nằm trong dự thảo Nghị định quy định về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; niên hạn sử dụng của xe cơ giới. Tại dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm.
Theo đó, thuật ngữ đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (đơn vị đăng kiểm) được đề xuất sửa đổi thành cơ sở đăng kiểm xe cơ giới (cơ sở đăng kiểm). Theo dự thảo, cơ sở đăng kiểm xe cơ giới (cơ sở đăng kiểm) là tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm, bên cạnh đề xuất các quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện chung, điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực, tại dự thảo, cơ quan này đề xuất bổ sung quy định về điều kiện về hệ thống quản lý của cơ sở đăng kiểm.
(Ảnh minh họa)
Theo quy định, trong vòng 18 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đơn vị đăng kiểm phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Tại dự thảo, điều kiện về hệ thống quản lý của cơ sở đăng kiểm được đề xuất cơ sở đăng kiểm phải xây dựng hệ thống quản lý của đơn vị để đảm bảo thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.
Duy trì điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này; bảo đảm các thiết bị, dụng cụ kiểm tra phải hoạt động bình thường; tuân thủ việc kiểm tra, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra theo quy định của pháp luật về đo lường. Trong quá trình kiểm định, cơ sở đăng kiểm phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy.
Thu giá dịch vụ, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới, các khoản thu khác (nếu có) và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng quy định của pháp luật. Niêm yết công khai tại phòng chờ, xưởng kiểm định các nội dung về quy trình, nội dung kiểm định; biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và nội dung các thông báo khác theo quy định. Thực hiện việc truyền số liệu, báo cáo theo quy định.
Quản lý, cấp phát các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định đúng quy định. Trong vòng 18 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở đăng kiểm phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001…
Thống kê đến tháng 5/2024, cả nước hiện có 274/294 trung tâm đăng kiểm với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, với công suất tối thiểu 642.240 xe/tháng. Nếu các trung tâm đăng kiểm vận hành bình thường sẽ đáp ứng nhu cầu kiểm định trong năm 2024 (tháng cao điểm nhất cả nước có hơn 500.000 xe kiểm định). Tuy nhiên, các trung tâm đăng kiểm phân bố không đồng đều cộng với nhóm xe được gia hạn chu kỳ kiểm định, kéo dài chu kỳ kiểm định từ nửa đầu năm 2023 đã đến hạn kiểm định trở lại, khiến lượng xe đến hạn kiểm định không ngừng tăng, đặc biệt vào các tháng cuối năm 2024.
VĂN NHI
Bình luận