Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 21:01
Thứ năm, 31/10/2024 14:10
TMO – Góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng cần điều chỉnh một số nội dung để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn cũng như phát huy giá trị di sản, đặc biệt đối với di sản thiên nhiên.
Theo đó, góp ý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di tích Quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ di sản. Theo đó, thực hiện Luật Thủy sản; Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Quy hoạch không gian biển Quốc gia thì việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã được quy định tại Nghị định 11/2021 của Chính phủ. Trong đó, UBND cấp tỉnh có biển có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý; UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng biển 3 hải lý. Phạm vi ngoài 6 hải lý sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.
Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Tuy nhiên, những khu vực mặt nước, khu vực biển thuộc Di sản thiên nhiên thế giới mà đơn cử như vịnh Hạ Long là Di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật này và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 11/2021. Điều này, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền giao mặt nước, khu vực biển tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho các tổ chức, cá nhân khai thác. Do đó, cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ di sản.
Đối với quy định về di tích, di sản liên tỉnh, đại biểu cho biết, Điều 32 dự thảo luật quy định người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh trở lên và tại Điều 33 cũng xác định tương đối rõ về nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương có di tích, di sản liên tỉnh đang áp dụng các biện pháp quản lý di sản khác nhau. Có địa phương quy định chặt song cũng có địa phương nới lỏng hơn về tiêu chí, tiêu chuẩn tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội ở di tích, di sản. Điều này, dẫn đến việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển việc đăng ký từ địa phương này, sang địa phương khác để được cơ chế quản lý thuận tiện hơn. Như vậy, di tích, di sản là đối tượng phải chịu những bất cập đó trước tiên; tiếp đến là việc di chuyển đến nơi dễ dàng được chấp nhận tiêu chí quản lý thấp hơn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan và đảm bảo an ninh, an toàn.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước ta.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 - về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 - về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 - về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
BẢO HÂN
Bình luận